Điểm du lịch Thành nhà Hồ

04/01/2021 | Sưu tầm | 736 xem

Thành Nhà Hồ – một thành tựu vĩ đại về kiến trúc kinh thành cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, với giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu đã được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào ngày 27/6/2011. Là kinh đô của nhà Hồ, thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Sau khi xây thành, Hô Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Bốn bề mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20000m3 và gần 100000m3 đất được đào đắp.

Thành nhà Hồ còn gọi là thành Tây Đô hoặc Tây Kinh (kinh đô phía tây Đại Việt), thành An Tôn (thành ở khu vực động An Tôn thời Trần), thành Tây Giai (vì ở phía tây địa phận  thôn Tây Giai), Thạch thành (tòa thành xây dựng bằng đá), thành Nội (vòng thành quan trọng bên trong La thành), nay thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành nhà Hồ

Được biết đến là kinh đô của Nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp tanh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế quân sự. Sử dụng hơn 20000m3 đá để xây dựng và gần 100000m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần:

Hoàng thành (Nội thành): thành có bình đồ gần vuông, mặt chính quay về hướng đông nam, với đường trục chính theo hướng đông bắc – tây nam, lệch 45o. Hai tường thành phía nam và phía bắc dài 877m; phía đông và phía tây dài 880m. Các cửa thành được mở ra từ chính giữa của bốn bức tường thành. Mặc dù trục chính của thành không theo đúng hướng bắc – nam các cửa này vẫn đươc gọi tên theo bốn hướng chính: cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông, cửa Tây.

Hào thành: bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ nội thành.

La thành: bao quanh toàn bộ tòa thành đá và Hào thành. La thành được thiết kế xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, có đoạn thì đắp các lũy đất nối liền với các đồi thấp và núi đá, lấy núi đá làm bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ, có đoạn thì men theo các dòng sông. Chiều dài la thành theo ước tính tới hơn 30km. La thành hiện còn là một tòa thành đất cao khoảng 6m, mặt cắt dạng hình thang với bề mặt rộng 9,2m, chân thành rộng khoảng 37m. Mặt thành dốc đứng, phía trong thoai thoải kiểu bậc thang, mỗi bậc cao 1,5m, một số vị trí có trôn thêm sạn sỏi gia cố.

Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất ba tháng. Đó không chỉ là sức lực, mà còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và ghi dấu bằng công trình này. Và theo đó, thời gian xây dựng Thành nhà Hồ không chỉ khiến người ta kinh ngạc, thán phục mà còn là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành. Trải qua sáu thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song bốn bức tường thành – biểu tượng của Thành nhà Hồ – vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với bốn cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.
Ngoài ra, trong việc kiến thiết kinh đô, nhà Hồ đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng đàn tế Nam Giao. Đàn tế được xây dựng phía nam Thành nhà Hồ, phía trong La thành, dựa theo sườn tây nam núi Đồn Sơn.

Về đôi rồng đá mất đầu ở Di sản Thành nhà Hồ

Đôi rồng đá mất đầu ở Di sản Thành nhà Hồ

Từ cổng phía nam, đi sang cổng phía bắc của tòa thành, mọi người rất dễ dàng nhận ra ở ngay trung tâm tòa thành có đôi rồng đá được đặt song song nhưng đã bị mất đầu. Đôi rồng này làm bằng chất liệu đá, được khắc rất tỉ mỉ, thân rồng thon nhỏ, uốn bảy khúc, vây và lưng đều, nhỏ, tròng rất đẹp. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng với các vân mây mềm mại. Phần đầu của đôi rồng này đã bị mất, giờ chỉ còn bờm uốn lượn chín nếp. Dưới phần bụng được trạm trổ những ô tam giác nhỏ có đề hình hoa cúc và móc hoa ghép nhau tạo thành bậc.

Điều khó hiểu là tại sao rồng lại không có đầu? Đầu rồng bị ai chặt? Đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, xưa kia nhà Minh sang xâm lước đã chặt đầu rồng – biểu tượng của nhà Hồ đã đi vào giai đoạn thời diệt vong, chấm dứt vương triều Hồ. Có người lại bảo rằng do chính những người bất đồng với chính sách nhà Hồ gây ra. Ý kiến khác cho rằng, vào thời thực dân Pháp đô hộ, người Pháp bắt nhân dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa từ cổng thành đến đôi rồng đá. Quá bức xúc với việc này nên dân làng đã chặt đầu rồng?. Nhưng theo câu chuyện dân gian, thì ngày xưa ở làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (nằm cạnh ngay cổng thành phía nam) thường hay xảy ra các vụ cháy nhà, người dân đã nghi là rồng quay đầu về làng phun lửa nên đã chặt đầu rồng đi.