Điểm du lịch Cù lao Ông Hổ

01/01/2021 | Sưu tầm | 829 xem

Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thuộc thành phố Long Xuyên (An Giang, quê hương của bác Tôn. Trên cù lao có khu lưu niệm và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của bác Tôn là cụ Tôn Văn Đê xây dựng, với lối kiến trúc hình chữ "Quốc", sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m, diện tích hơn 150m2.

Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ "Đức" làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Chủ tịch Tôn Đức Thắng chào đời, cụ Tôn Văn Đê – thân sinh bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôn ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là "Đức" trước tên là chữ "Thắng" và dự đoán: cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.

Với những truyền thuyết gắn liền với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt gốn của bác Tôn nên Cù lao Ông Hồ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam Bộ:

Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hồ chưa về An Giang.

Ngày nay, Cù lao Ông Hồ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, tết, đặc biệt là vào những ngày tháng 8 mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với Cù lao Ông Hồ. 

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm được xây dựng trên khuôn viên 6,7ha. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm bác Tôn được xây dựng trong khuôn viên 1600m2 với kiến trúc cổ lâu tam cấp, nơi chính điện là tượng bác Tôn bằng đồng bán thân. Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của bác Tôn, với các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về bác, một tấm gương sáng của dân tộc ra về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Trong khuôn viên Khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của bác: căn nhà sàn lót ván ba gian hai chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế "long chầu nguyệt". Đã mấy trăm năm, những lũy tre vẫn xanh tốt, những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa sũng, những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…

Lịch sử tên gọi: Có hai truyền thuyết giải thích địa danh "Ông Hồ"

Cù lao Ông Hổ

1. Truyền thuyết thứ nhất: Ngày xưa, nơi đây cũng như nhiều địa phương khác trên vùng đất phương Nam, cảnh "dưới sông cá lội, trên bờ cọp đùa" hay "cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội" là thường. Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mủng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hàng năm, tới ngày giỗ của ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là Cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.

2. Truyền thuyết thứ hai: Vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá lập làng.

Có một năm, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn như nhấn chìm dải cù lao. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Để đền ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ.

Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Hàng ngày, hổ cõng cô bé bù theo cha mẹ vào rừng làm rẫy. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái đổ bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo.

Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người nên đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ Ông Hổ. Cái tên Cù lao Ông Hổ cũng ra đời từ đó. Dù hai câu chuyện có chút khác nhau nhưng đều thể hiện tính hiếu sinh của con người. Con người có thể sống chan hòa cùng vạn vật và cảm hóa cả loài mãnh thú.