Điểm du lịch Núi Sam
Núi Sam có diện tích khoảng 280ha, với độ cao khoảng 240m, là đỉnh núi cuối cùng ở Việt Nam và là điểm cao nổi bật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào thời Nguyễn, núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên, ngày nay là phường Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Miếu bà chúa Núi Sam
Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của tỉnh An Giang. Được lập vào năm 1920, miếu bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu Bà đã khang trang hơn.
Hiện nay, miếu bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc khá hoàn thiện với hình khối thấp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói lợp màu xanh, bốn góc mái cong tạo ra sự mềm mại và rất nghệ thuật cho miếu. Bố cục trong miếu cũng theo lối thiết kế đình, đền truyền thống gồm chính điện, võ ca và phòng khách, ngoài ra còn có phòng của Ban quý tế cùng công trình phụ khác. Nghệ thuật trang trí trong miếu khá đặc sắc với những nét trạm trổ tinh tế, công phu và những bức hoành phi vàng son đã mang đến vẻ lộng lẫy và ấn tượng cho miếu Bà.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đã được bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia. Cùng với đó, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cũng được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia. Lễ Vía Bà được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó vía chính là ngày 25.
Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ
Cách đây gần 200 năm, núi Sam còn hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, giặc biên giới thường xuyên sang quấy nhiễu.
Một hôm, có một toán giặc Xiêm leo lên núi Sam phát hiện được pho tượng cổ bằng đá rất đẹp. Động lòng tham,chúng xeo nại, tìm cách khiêng đi nhưng không thể nào xê dịch được. Sau hàng giờ vất vả với pho thượng, chúng tức giận đập phá làm gẫy cánh tay trái pho tượng.
Sau khi chúng bỏ đi, trong làng có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư, tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, nói với các bô lão: "Tượng bà đang ngự trên núi, bị giặc Xiêm phá hoại, dân làng hãy đưa Bà xuống". Dân làng kéo nhau lên núi, quả thật tượng Bà đang ngự gần trên đỉnh. Họ xúm nhau khiêng tượng xuống làng để giữ gìn và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, các lão làng tính kế để đưa tượng đi, nhưng không làm sao nhấc lên được dù pho tượng không phải là quá lớn, quá nặng.
Các cụ bàn nhau cắc chưa trúng ý Bà nên cử người cầu khấn. Quả nhiên bé gái hôm nọ lại được Bà đạp đồng mách bảo: "Hãy chọn chín cô gái đồng trinh để đem Bà xuống núi".
Dân làng mừng rỡ tuyển chọn chín cô gái dẫn lên núi xin phép Bà được đưa cốt tượng xuống. Lạ thay, chín cô gái khiêng bà đi một cách nhẹ nhàng.
Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, các cô phải đặt xuống đất và không lên nổi nữa. Dân làng hiểu rằng Bà muốn ngự nơi đây nên tổ chức xin keo, được bà chấp thuận và lập miếu thờ. Hôm đó là ngày 25 tháng 4 âm lịch, dân làng lấy ngày này làm lễ Vía Bà.
Chùa Tây An
Chùa còn được gọi là chùa Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa phật giáo tọa lạc tạo ngã ba dưới chân núi Sam (nay thuộc phường núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc. Chùa do Tổng đốc An Giang – Hà Tiên là Doãn Uẩn đôn đốc xây dựng năm 1847. Ngôi chùa này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1980 và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận là "ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam".
Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng trong khuôn viên có diện tích 15000m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thắm. Điểm ấn tượng nhất của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lâu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Thoại Ngọc Hầu, tức Nguyễn Văn Thoại, là một tướng triều Nguyễn có nhiều công đức với nhân dân địa phương trong việc tổ chức đào các con kênh quan trọng trong tỉnh An Giang, kênh Vĩnh Tế dài 90km nối sông Hậu đến Hương Thành (Hà Tiên) để đổ ra biển Thái Lan; kênh Chỉnh An nối sông Hậu qua sông Tiền; đắp lộ lớn Châu Đốc – Long Xuyên. Tất cả những công trình quan trọng ấy đều hoàn tất trước khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (1858).
Lăng Thoại Ngọc Hầu được xây dựng uy nghiêm, trang trọng. Phía trước làng là khoảng sân rộng. Hai bà vợ của ông được chôn cất tại đây. Bà nhất phẩm Châu Thị Vĩnh Tế chôn phía tay phải, bà Nhị phẩm Trương Thị Miệt chôn phía tay trái, mộ ông nằm chính giữa. Trong long đình là bản sao bia "Thoại Sơn", bia "Vĩnh Tế Sơn". Trước long đình là hai con nai đắp bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1m, cao 3m. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn. Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Vào lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng 2m cùng với những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế… gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt.
Vài nét về danh tướng Thoại Ngọc Hầu
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng nổi tiếng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 6/6/1829.
Thoại Ngọc Hầu được triều đình nhà Nguyễn phong tước hầu, cử vào khai phá trấn giữ An Giang. Ông đã tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về ở các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên… Ông là người tổ chức đào kênh Thoại Hà (con kênh có bề ngang 20 tầm – chừng 51m, dài 31744m) và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km. Đào hai con kênh ấy trong thời kỳ công cụ lao động thô sơ và bằng tay, chân quà là việc làm thần kỳ. Sau kho hoàn tất việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ trình triều đình Huế, được vua khen ngời ban sắc chỉ cho lấy tên người mà đặt cho tên kênh là Thoại Hà (kênh Thoại) và lấy tên vợ chính của ông là Vĩnh Tế đặt cho kênh Vĩnh Tế. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho dựng bia làm kỷ niệm, bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời trước ngày dựng bia, ông cho nhiều toán người đi dọc hai bờ kênh, từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả và hữu khuôn lăng. Trong buổi lễ long trọng dựng bia kỷ niệm có đọc bài Tế nghĩa trùng văn, do Thoại Ngọc Hầu đừng ra làm chủ lễ. Tế nghĩa trùng văn là bài thơ tế cô hồn tử sĩ, khắc ghi công lao và sự thương tiếc đối với binh sĩ, lưu dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh…