Điểm du lịch Thành phố Cần Thơ
Cần Thơ, thành phố nằm bên dòng Mê Công huyền thoại, một thời được xem là thủ phủ miền Tây – nơi đô hội nhất vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, Cần Thơ là đô thị trẻ, mang đậm nét văn hóa phương Nam.
Chợ nổi trên sông
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước phì nhiêu, với những dòng sông, kênh, rạch chằng chịt uốn mình đưa phù sa bồi đắp cho những vườn cây trái xum xuê, những cánh đồng trĩu hạt lúa vàng mênh mông. Vùng sông nước này dẫn đến sự ra đời chợ nổi trên sông, một loạt hình mang đậm nét dấu ấn "văn hóa sông rạch" và cũng là hoạt động kinh tế mang đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, truyền thống lâu đời của thời xa xưa. Chợ trên sông thường được đặt ở ven sông, nơi đầu vàm và thường nằm ở ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã bảy… Chợ nổi trên sông có nét độc đáo riêng của nó, bán món gì thì treo món ấy lên một cây sào cắm ở mũi ghe để tiếp thị sản phẩm. Ở Cần Thơ có nhiều chợ nổi lừng danh cả nước như:
– Chợ nổi Cái Răng: thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền (thực tế cũng không thể rao khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục, và khó có thể áp mạn với xuống khác để xem bán hàng gì). Đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết về đất Tây Đô này.
– Chợ nổi Phong Điền: nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km về phía đông nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến 7-8 giờ là lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần.
Khác với chợ nổi Cái Răng chỉ buôn bán hàng nông sản là chủ yếu, chợ nổi Phong Điền phong phú hơn. Từ các loại sản vật miệt vườn như cam, quýt, xoài, vú sữa, mận, sầu riêng, măng cụt… cho đến những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, các sản phẩm của nghề đan và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Ngoài ra, chợ còn cả một gian ẩm thực vô cùng phong phú như hột vịt lộn, bún thịt nướng, gỏi vịt, hủ tiếu… Hiện nay, trên chợ nổi còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài nghìn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may nổi phục vụ nhanh cho khách hàng… Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có thì cũng đều có mặt ở chợ nổi.
Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức "bẹo hàng". Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức "bẹo hàng" này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không núi kéo khách nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ. Khách mua phải nhìn cây "bẹo" mà tìm hàng.
Đặc biệt nhất là hình thức "bẹo là bán ghe". Nếu gặp chiếc ghe "bẹo" một tấm là lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức "bẹo" hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc).
Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều loại tiếng kèn khác nhau làm cho các khu chợ thêm huyên náo. Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức "bẹo hàng" hiện đại hơn như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi…
Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng – một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng.
Chùa Ông
Chùa vốn là ội quán của những người Hoa di cư sang miền Nam nước ta ở đất Trấn Giang (tên gọi lúc bấy giờ của Cần Thơ) vào thế kỷ XVII-XVIII. Chùa được xây dựng năm 1894-1896 trên một khu đất có diện tích chừng 532m2. Kiến trúc của chùa rất sặc sỡ nhiều màu sắc: mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng những hàng ngói ống men xanh thắm, trên bờ nóc có vô số hình nhân đủ màu bằng gốm sứ, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa long, chim phụng. Ở hai đầu đao là hai tượng người cầm mặt trời, mặt trăng. Trong chùa thờ Quan Công, một vị tướng thời Tam Quốc, một tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa, đồng thời thờ Quan Âm Nam Hải, Thái Bạch Tinh Quân, Thổ địa, Đổng Vĩnh…
Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa quan trọng của người Hoa tại Cần Thơ (trước năm 1978-1979, cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ khá đông đảo).
Ngoài tết âm lịch, các dịp lễ lớn của chùa là "ngày vía" của các vị thần được thờ trong chùa: Quan Công (13/1 âm lịch), Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 âm lịch)… thu hút rất đông đảo phật tử đến viếng chùa. Năm 1993, chùa Ông được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.