Khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc
Thông tin cơ bản về khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km. Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt trong 3 lần quân dân thời Trần đánh thắng quân Mông Nguyên thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV. Đây cũng là vùng danh sơn huyền thoại gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt suất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Các điểm tham quan chính của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
KHU DI TÍCH CÔN SƠN
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự” nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn (hay còn gọi là Kỳ Lân). Tương truyền đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hỏa công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X, lên ngoài tên gọi là Côn Sơn, chùa còn có tên gọi là chùa Hun. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ Công, gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện, trong có những thượng phật từ thời Lê cao tới 3m. Nhà tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều Ngự Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang. Tam quan có hai tầng tám mái với các họa tiết hoa lá, mây tản cách điệu. Sân chùa có 4 nhà bia, đặc biệt là bia Thanh Hư động có từ thời Long Khánh (1373-1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng Côn Sơn thiên tự ký phúc tự.
Thiền sư Huyền Quang
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông là người thông minh, hiếu học, được mệnh danh là thần đồng, nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc. Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất. Người đời gọi ông là Lý Trạng Nguyên. Làm quan dưới thời nhà Trần không lâu, ông từ quan tìm đến tôn giáo, kiên trì học đạo. Ông từng trụ trì ở chùa Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai (Chí Linh), chùa Văn Yên (Yên Tử). Ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn. Ngày 23/1/1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày mất của ông trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn.
Giếng Ngọc
Giếng nằm ở núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn cờ Tiên, chính là mắt của con Kỳ Lân. Chuyện kể rằng: Vào một đêm rằm tháng 7, thiền sư Huyền Quang cùng các tăng ni, phật tử làm lễ ở chùa xong thì trời đã về khuya, mọi người về phòng nghỉ. Trong mơ, thiền sư Huyền Quang thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi, ông cúi xuống xem thì tiếng chuông chùa vang lên làm ông tỉnh giấc. Trời đã mờ sáng, các tăng ni đã lên chùa tụng kinh niệm phật. Ngẫm lại giấc mơ ban đêm, ông cùng các tăng ni lên núi xem xét, khi phát quang bị sim thì hiện ra một giếng nước, uống thử thấy nước ngọt mát, trong người khoan khoái, dễ chịu. Ông về chùa làm lễ tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và xin được khơi sâu, mở rộng, dùng đá, gạch kè bờ thành giếng. Từ đó giếng có tên là giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ chùa.
Am Bạch Văn và Bàn cờ Tiên
Bàn cờ Tiên nằm trên đỉnh Côn Sơn, xưa kia có một am nhỏ xây hình chữ Công. tám mái chảy có lan can xung quanh. Người xưa kể rằng: Vào một chiều thu co một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương, làm lễ, vãn cảnh, các cụ nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu, đánh cờ. Sáng sớm hôm sau, các danh nhân lần theo lối mòn lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các cụ cho rằng đêm qua có người lên nghỉ tại am. Khi đến nơi, mọi người đều ngạc nhiên thấy trong am không có một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở, suy nghĩ hồi lâu các cụ cho rằng trên đỉnh Côn Sơn đêm qua các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời. Từ đó cái am nhỏ có tên am Bạch Vân (mây trắng) và nơi các tiên ông đánh cờ gọi là Bàn cờ Tiên.
Thạch Bàn
Sườn bên phải núi Kỳ Vân là nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với các phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá “năm gian” (rộng bằng năm gian nhà). Đây là nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm thơ, đọc sách.
Đền thờ Nguyễn Trãi
Đền được khởi công xây dựng ngày 14/12/2000 trên khuôn viên đất rộng gần 10000m vuông, tai chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ bắc xuống nam uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu đền.
Giai thoại xung quanh vụ án Lệ Chi Viên
Vụ án Lệ Chi Viên, tức vụ án vườn vải là vụ án mà đại thần Nguyễn Trãi bị vu oan và bị tru di tam tộc thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam.
Giai thoại kể rằng lúc cha Nguyễn Trãi (Nguyễn Phi Khanh) còn dạy học có dự định cho học trò phát hoang khu vườn, đến đêm nằm trong mơ thấy một người đàn bà với bầy con dại tới xin ông cho thư thả ít hôm mới dọn nhà vì con mọn. Sáng ra, khi học trò của ông phát cỏ vườn nhà thì đánh chết một bầy rắn, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ, ông than thở, cho chôn bầy rắn và cho học trò biết loài rắn thường hay thù dai, thế nào cũng trả thù ông. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ “đại” (đời) qua 3 lớp giấy ứng với việc gia tộc ông bị hại đến ba đời.
Đền thờ Trần Nguyên Hãn
Đền nằm phía trên đền thờ Nguyễn Trãi cũng ở ven suối. Trần Nguyên Hãn là đại công thần nhà Lê và là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi.
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Nằm ở phía trên đền thờ Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, gần thượng nguồn suối Côn Sơn. Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng vợ đưa cháu ngoại là Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn.Ông nuôi dạy Nguyễn Trãi trưởng thành. Tại Côn Sơn, ông cùng vợ trồng rừng thông, xây dựng quần thể kiến trúc trong núi. Động Thanh Hư là công trình quy mô, hoành tráng với nhiều hạng mục kiến trúc hòa với thiên nhiên, là thắng cảnh tiêu biểu mà từ lâu đã trở thành địa danh, di tích nổi tiếng, đi vào thi ca, sử sách ở nhiều thời đại. Năm 1390, quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng, đền thờ xưa không còn. Năm 2005, tỉnh Hải Dương xây dựng đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông giữa rừng tùng bách tại Côn Sơn. Đền Thanh Hư kiến trúc theo chữ Đinh, tòa tiên bái chống diêm cố các hau tầng tám mái uy nghi. Trong đền, hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo nghi thức truyền thống với tượng quan Đại tư đồ thần thái uy nghiêm nhân từ.
KHU DI TÍCH KIẾP BẠC
Đền Kiếp Bạc
Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng, cách Côn Sơn chừng 5km. Kiếp Bạc có thế “rồng vươn, hổ phục”, có “tứ đức, tứ linh”. Tại đây hội tụ 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm chữ Đức đứng sau như sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu tức sông Như Nguyệt (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), sông Lục Nam (Nhật Đức). Dòng chính về xuôi có tên là Thái Bình. Vì ngày xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình, yên ổn, thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.
Vào thế kỷ XIII, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Hưng Đạo Vương, vị chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lượcMông Nguyên. Đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị của 4 con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Đạo (ngày 20/8 âm lịch).
Tiểu sử Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Ông là con trai An Sinh Vương Trần Liễu, gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột, công chúa Thụy Bà (chị ruột của vua Trần Thái Tông) là mẹ nuôi của ông. Ông quê ở phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).Công lao to lớn của ông là lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần đánh thắng quân Mông Nguyên xâm lược vào các năm 1285, 1288. Tháng 4 âm lịch năm Kỷ Sửu 1289, luận công 3 lần đánh đuổi quân Mông Nguyên, ông được phong tước Hưng Đạo Đại Vương. Sau đó, ông lui về ở Kiếp Bạc là nơi ông được phong ấp (nay thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nhân dân lúc bấy giờ kính trọng ông, lập đền thờ ông ở Vạn Kiếp. Tại đền thờ có bài văn bía của vua Trần Thánh Tông, ví ông như Thượng phụ (tức Khương Tử Nha). Tháng 6 âm lịch năm Canh Tý (1300), ông lâm bệnh, được vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi về kế sách chống giặc phương Bắc. Ông mất ngày 20/8 âm lịch năm đó, thọ khoảng 70 tuổi. Nghe tin Trần Hưng Đạo mất, triều đình nhà Trần phong tặng ông Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi.