Điểm du lịch Thành phố Bắc Ninh
Thành phố Bắc Ninh là một đơn vị hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 31km. Phía bắc giáp huyện Việt Yên (Bắc Giang), phía đông giáp huyện Quế Võ, phía nam giáp huyện Tiên Du, phía tây giáp huyện Yên Phong. Với diện tích 80,2km2, đây là một trong những trung tâm văn hóa – lịch sử của vùng đồng bằng sông Hồng.
Về tên gọi: "Bắc" đơn giản chỉ là phương bắc, hướng bắc; còn "Ninh" ở đây có nghĩa là "sự an lành, yên ổn". Như vậy, "Bắc Ninh" có nghĩa là một vùng đất an lành, yên ổn ở phía bắc của sông Hồng.
Văn miếu Bắc Ninh
Bắc Ninh là một trong số rất ít địa phương trong cả nước hiện có Văn Miếu. Văn Miếu Bắc Ninh là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu với những tư liệu, hiện vật đặc trưng, hiếm có minh chứng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang của ông cha.
Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim bào trơn đóng bén. Tại đây thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 12 tấm bia lưu danh 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về các huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Giang thuộc Hưng Yên). Nếu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội ghi danh các vị đại khoa thời Lê- Mạc, Văn Miếu Huế ghi danh các vị đại khoa thời Nguyễn thì Văn Miếu Bắc Ninh ghi khắc tên tuổi, khoa danh của các vị tiến sĩ từ thời Lý – Trần xuất thân từ mảnh đất văn hiến này như Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang… Cùng với đó là những nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ các bậc tiên hiền tiên triết, tôn vinh những người có học vấn và cổ vũ tinh thần hiếu học vẫn được các thế hệ người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc bảo lưu, duy trì vào ngày tết Thượng nguyên (rằm tháng giêng) hằng năm.
Chùa Dạm
Chùa tên chữa là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tầm, chùa Cao, cũng được gọi là chùa Lâm Sơn theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, xưa kia thuộc huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý à là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1000 năm.
Theo thư tịch, sử sách ghi lại thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), nguyên phi Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa tại đây. Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Sau mười năm xây dựng, năm 1097, chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh Chùa có quy mô hơn 100 gian, kiến trúc từ cao xuống thấp, trùng trùng điệp điệp nối tiếp nư 12 tòa sen tráng lệ. Ngày nay chùa không còn quy mô như trước, nhưng đã có thời Thần Quang được coi như quốc tự và là nơi tu hành, tịnh dưỡng dành riêng cho hoàng gia nhà Lý. Cạnh chùa là đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông cũng từng lộng lẫy không kém. Qua nhiều biến động lịch sử, cụm đền chùa giờ đây chỉ còn vẻ thâm nghiêm, cổ kính.
Theo nhân dân địa phương, vào năm 1946-1947, quân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến. Ngôi chùa cháy trong mấy ngày mới hết. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng trả lại chùa để không đắc tội với thần linh. Hiện tại 100 gian xưa giờ được thay bằng ba gian điện nhỏ thờ thần Phập (ở nền cấp thứ ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai cổ vật còn sót lại là tượng Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Cả chùa và đền mới đều được xây dựng từ năm 1996, do nhân dân địa phương đóng góp. Mùng 8 tháng Chín (âm lịch) là ngày lễ hội chùa Dạm.
Trong khuôn viên chùa còn lưu giữ cột đá quý. Cột đá chùa Dạm được coi là một trong những hiện vật điêu khắc hoành tráng nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam (cao trên 5m, nặng 42 tấn). Nhiều người coi đây như báu vật quốc gia, bởi đôi rông tạc trên thân cột là một tuyệt phẩm của mỹ thuật thời Lý đến nay còn giữ được.
Chùa Hàm Long
Sở dĩ chùa có tên này là vì các thầy địa lý xưa cho rằng núi Thần Long như một chiếc án che chắn cho ngôi chùa phía trước. Chùa Hàm Long có ba ngôi tháp cổ, trong đó nổi tiếng nhất là tháp Hàm Long có kiến trúc bằng đá, cao trên 10m.
Chùa được xây dựng vào thời Lý, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Hằng năm cứ vào ngày 15 tháng hai âm lịch, lễ hội chùa Hàm Long lại được tổ chức, hàng nghìn khách xa gần đã về đây làm lễ và ngắm cảnh.
Điều đặc biệt, nơi đây được coi là một trung tâm nhốt "trùng" lớn nhất nước. Theo tín ngưỡng dân gian, nhà có người chết trùng phải lập tức gửi vong người đó lên chùa. Tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng, nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Nếu trùng nhẹ có thể gửi lên một ngôi chùa nào đó gần nhà, các nhà sư sẽ hàng ngày đọc kinh niệm phật cho vong hồn siêu thoát. Nếu trùng nặng, thì phải gửi ngay vào chùa Hàm Long, nơi được coi là đệ nhất giữ vong ở trời Nam.
Làng quan họ Viêm Xá
Làng quan họ Viêm Xá (hay còn gọi là làng Diềm) nay thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Viêm Xá là làng quan họ gốc và thủy tổ của làn điệu dân ca ấy là đức vua Bà hiện đang được nhân dân thờ phụng tạo ngôi đền cũng trên đất Viêm Xá. Đây là nơi duy nhất trong 49 làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ. Lễ hội làng được tổ chức vào các ngày 6 và 7 tháng Hai âm lịch hàng năm.
Tương truyền đức vua Bà là công chúa con gái vua Hùng. Vừa đến tuổi cập kê, nhà vua cho tổ chức hội cướp cầu đề kén rể, có điều bà không chấp nhận sánh duyên cùng người thắng cuộc mà xin cha được chu du sơn thủy một thời gian. Khi bà cùng các thị nữ vừa ra khỏi kinh thành thì một cơn mưa lớn ập đến, giông gió nổi lên dữ dội và một cơn lốc đã cuốn phăng cả đoàn người lên trời rồi hạ xuống ấp Viêm Xá ngày nay. Vốn nơi đây là một vùng đất hoang vu với cây đước và lau sậy um tùm, bà đã cho đắp bờ, lập nên ruộng đồng, làng xóm và dựng vợ gả chồng cho mọi người. Bên cạnh việc dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía, kéo mật, bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú nghệ thuật ca hát. Do vậy khi bà mất, dân làng đã lập đền thờ và tôn vinh bà là đức vua Bà, là Thành hoàng làng.
Tục hát quan họ trùm đầu ở Viêm Xá
Làng Diềm xưa, có một hình thức sinh hoạt quan họ rất đặc biệt, không thể tìm thấy ở bất cứ một làng quan họ khác nào, đó là tục hát quan họ trùm đầu.
Vào những đêm thu trăng sáng, các liền anh quan họ từ nhà chứa của mình rủ nhau sang nhà chứa chọn bọn quan họ nữ trong làng, đến bờ rào, họ trùm kín đầu bằng khắc hoặc áo rồi đừng bên ngoài bờ rào hát vọng vào. Khi ấy, các liền chị trong nhà chứa nghe được cũng chùm khăn, áo lên đầu ra đứng ở thềm nhà hát đáp lại. Nếu thềm không có ánh trăng thì đứng xuống sân nơi có ánh trăng rọi sáng. Hát trùm đầu chỉ cần ca những câu giao duyên nam nữ giọng vặt, không phải hát những câu thuộc giọng lề lối. Quan họ trùm đầu không cần hát đối mà thường là cả bọn nam ca với cả bọn nữ nhưng vẫn phải theo đúng giọng đối giọng.
Vào lúc cao điểm nhất, trong làng tới 5 bọn quan họ nam và 5 bọn quan họ nữ với hàng trăm liền anh, liền chị gồm các lứa tuổi, thường xuyên sinh hoạt ở các nhà chứa khác nhau. Vì thế, vào những đêm trăng sáng mùa thu sẽ có tới 5 điểm hát quan họ trùm đầu, tạo nên những buổi sinh hoạt quan họ rất sôi động. Đặc biệt hơn nữa là hình thức sinh hoạt quan họ trùm đầu là người dân trong xóm trong làng đến nghe, xem và cổ vũ rất đông chứ không giống ở hình thức hát canh quan họ, người hát đồng thời là người nghe, người thưởng thức và thường là không có khán giả… Sinh hoạt quan họ diễn ra quanh năm, suốt tháng, song thời điểm tập trung, đông nhất vẫn là vào mùa xuân. Tuy nhiên, hát quan họ trùm đầu lại có thời điểm sinh hoạt trái với tính phổ biến chung, chỉ diễn ra vào mùa thu – mùa của hát trống quân và cũng chỉ sinh hoạt vào những đêm tràn ngập ánh trăng nên rất có thể tục hát quan họ trùm đầu vừa là dấu ấn của hát ghẹo vốn xa xưa có ở làng Diềm, vừa chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hát trống quân – một loại hình dân ca phổ biến ở Bắc Ninh nói riêng và vùng đồng bằng châu thổ sông Hông, sông Mã nói chung. Cũng bởi vậy mà có không ít bài quan họ với lối ca bốn tiếng sau trước rồi mới hát cả câu, đó là sự ảnh hưởng của lối hát trống quân.