Điểm du lịch rừng Cúc Phương

05/01/2021 | Sưu tầm | 1726 xem

Cách thủ đô Hà Nội 120km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, có một vùng đất đã trở nên vô cùng quen thuộc, gợi tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước, đó là Vườn quốc gia Cúc Phương– vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.

Được thành lập ngày 7/7/1962, Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với tổng diện tích là 22200ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Theo số liệu điều tra, Cúc Phương có 1983 loài thực vật bậc cao, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, Cúc Phương có 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 117 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương), hơn 300 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương.

Vườn thực vật Cúc Phương

Đây là khu vực được xây dựng nhằm sưu tầm gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và Thế giới. Đây là một trong ba vườn thực vật tầm cỡ thế giới theo danh sách được công bố năm 1997. Tuyến đường thăm vườn với quãng đường đi bộ là 3km.

Vườn thực vật Cúc Phương

Trung tâm cứu hộ Thú linh trưởng Cúc Phương

Trung tâm có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú linh trưởng quý hiếm (voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc Lào, voọc Chá vá chân xám…) từ tịch thu bắt giữ; thả động vật về giới tự nhiên; nghiên cứu về thú linh trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống.

Trung tâm cứu hộ Thú linh trưởng Cúc Phương

Động Người Xưa

Động Người Xưa là tên gọi của hang Đăng Đắng Cúc Phương, tiếng Mường có nghĩa là Hang Dơi. Động quay hướng đông nam, có vòm cao 45m, trông như miệng con rồng khổng lồ có diện tích khoảng 30m2, tương đối bằng phẳng. Bên phải động có một ngách nữa thông ra cửa khắc như một lối ra. Vách đá có nhiều nhũ mà khi gõ vào có tiếng như tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mường. Người Mường còn gọi đây là Hang Ma với truyền thuyết xưa kia vào những buổi chiều tà, ma thường xuất hiện ra kéo nhau xuống lấy nước. Đây là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là nét văn hóa độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại và là một di sản quý giá nằm trong đối tượng bảo vệ của rừng Cúc Phương.

Động người xưa

Hang Con Moong

Nằm gần sông suối, khu vực có hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng, vì vậy hang đã được người cổ chọn làm nơi cư trú lâu dài. Hang động dài,có hai cửa thông nhau. Hang Con Moong có địa tầng văn hóa khá dày, cấu tạo rất phức tạp, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than.

Hang Con Moong

Cây Đăng cổ thụ

Đây là một cây đại thụ cao 45m, đường kính tới 6m và có bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài chừng 20m. Từ cổng theo đường ô tô, qua động Người Xưa chừng 2km, phía bên trái là đường dẫn đến cây đăng cổ thụ dài 3km, vượt qua 5 dốc đá, với nhiều quần xã thực vật. Đó là cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa); là những dây leo thân gỗ đường kính 20-30cm, dài khoảng 100m, chỉ có ở Cúc Phương. Trên đường đến cây đăng có thể quan sát những loài chim quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng.

Cây đăng cổ thụ

Cây chò ngàn năm

Đây là cây đại thụ cao 45m, đường kính 5m và có chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Từ trung tâm theo con đường mòn trong rừng già để đến cây chò du khách sẽ gặp trên đường dây leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài 1km vắt ngang rừng và loài đa bóp cổ. Hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác. Khi rễ đã bám đất, chúng phát triển rất nhanh, dần bóp chết cây chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây chò chỉ cao tới 70m; thân thẳng, tròn đều. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết gần 3 tiếng.

Cây chò ngàn năm

Bản người Mường

Từ trung tâm xuyên qua khu rừng già, thung lũng vượt đèo dốc với chiều dài chừng 16km, du khách sẽ tới bản Mường (bản Khanh thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Bản Khanh nằm bên tả ngạn sông Bưởi với những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang… Đường đến bản Mường dài và phải qua nhiều dốc cao với thời gian từ sáu đến tám tiếng,tuyến đi này phải có hướng dẫn viên của vườn.

Bản người Mường

Đỉnh Mây Bạc

Đây là đỉnh núi cao nhất trong rừng Cúc Phương với độ cao 648m. Từ trung tâm đi khoảng 3km qua nhiều khu rừng già với nhiều dốc đá. Lên đến đỉnh núi, giữ mây trời du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng và đồng bằng của bốn huyện thuộc ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Tuyến đường đến đỉnh Mây Bạc dài và có nhiều dốc đá. Tuyến đi này phải có hướng dẫn viên của vườn đi cùng. Thời gian đi và về khoảng bốn tiếng.

Đỉnh mây bạc

Động Phò Mã

Chặng đường đi bộ vào thăm động Phò Mã từ hồ Yên Quang dài khoảng 2km, du khách phải chuẩn bị giày đi rừng, nước uống và bắt buộc phải có hướng dẫn viên của vườn.

Hồ Yên Quang

Truyền thuyết về đũa Kim Giao

Một món quà lưu niệm rất độc đáo tại Vườn quốc gia Cúc Phương đó chính là đũa Kim Giao. Truyện kể rằng xưa có một nàng công chúa tên là Kim Ngân, yêu một chàng trai nghèo tên là Giao Thủy, nhưng bị vua cha ngăn cấm. Để thể hiện lòng chung thủy của mình, đôi trai gái đã quyên sinh. Ít lâu sau trên mộ đôi trai gái đã mọc lên một cây, cành dài, lá thon rất đẹp, người ta dùng cành đó để vót đũa. Bấy giờ ở trong triều có nhiều phe cánh. Một hôm, bọn phản nghịch đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của vua. Vua gắp thức ăn thấy đầu đũa sủi bọt. Ngạc nhiên, ngài cho kiểm tra, thì biết là có thuốc độc. Vua hỏi đũa được vót từ gỗ gì. Khi được biết đũa được vót từ cành cây mọc trên mộ con mình, thì nhà vua vô cùng hối hận và đã đặt tên cho đũa là đũa Kim Giao để ghi nhớ mối tình của đôi trai gái.

Đũa Kim Giao