Tham luận của Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong

30/01/2021 | Mai Đức Thạch | 263 xem

PHÁT HUY NỘI LỰC VÀ SỨC SÁNG TẠO,
ĐỒNG THÁP CHUYỂN ĐỔI TỪ "TƯ DUY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP"
SANG "TƯ DUY KINH TẾ NÔNG NGHIỆP", THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ XU THẾ THỊ TRƯỜNG

Tham luận của đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,
Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp

Tham luận của đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Kính thưa các vị khách quý, các đồng chí đại biểu,

Kính thưa Đại hội!

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước chúng ta đã đứng trước bờ vực của nạn đói do tình trạng thiếu lương thực, nên trong một thời gian dài, mệnh lệnh cho ngành Nông nghiệp và cả hệ thống chính trị nước ta là "tăng năng suất, tăng sản lượng" – lấy năng suất, sản lượng làm thước đo quan trọng nhất cho việc đánh giá thành quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển về nông nghiệp. Mục tiêu định hướng đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất lúa từ một vụ, sang hai vụ, rồi ba vụ; gia tăng sản lượng đáng kể qua nhiều năm liên tục; sản lượng nông sản hàng hoá ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân từng bước được cải thiện, đưa nước ta từ một nước thiếu ăn trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực trên thế giới. Những kết quả đạt được có thể xem là "kỳ tích" với sự góp sức của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, của các nhà khoa học nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp và ngành Nông nghiệp cả nước.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám… là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong điều kiện bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, cũng như trong bối cảnh bình thường mới với tác động của dịch Covid-19. Bối cảnh mới đòi hỏi phải có những nhận thức mới, quan điểm phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tiếp tục là "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế. Quan điểm "tăng năng suất, tăng sản lượng" trước đây tuy vẫn còn phù hợp nhưng với điều kiện thực tế trong giai đoạn hiện nay, vấn đề nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả kinh tế ngày càng trở nên quan trọng hơn. Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo sản lượng, phụ thuộc nhiều vào yếu tố "may rủi", "sản xuất những gì mình muốn", dựa theo tập quán, kinh nghiệm truyền từ đời trước sang đời sau, không biết sản xuất sẽ bán cho ai, tiêu thụ ở đâu, không biết nhu cầu, thị hiếu của thị trường; nông sản tiêu thụ chủ yếu dưới dạng thô, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, tỷ lệ hao hụt cao do khâu chế biến, bảo quản kém,… sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp kém, thu nhập thấp, đời sống nông dân bất ổn, dẫn đến tình trạng "Được mùa, mất giá", "Giải cứu nông sản", "Nông nghiệp từ thiện"… như một "điệp khúc" được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong nền Nông nghiệp. Mặt khác, Nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của xã hội – từ việc ăn no, người tiêu dùng đã chuyển dần sang ăn ngon, ăn bổ, ăn sạch và giờ đây ăn còn để chữa bệnh… Do đó, nếu sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu thì đó chỉ mới là "Tư duy sản xuất nông nghiệp", là bán cái mình có, đồng nhất giữa năng suất, sản lượng với lợi nhuận của người nông dân – Tư duy đó hiện nay không còn phù hợp với xu hướng của thời đại, thay vào đó, tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung – cầu với sự điều tiết hợp lý của nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng (chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiện ích,…), tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị. Hay nói cách khác, đó là "Tư duy kinh tế nông nghiệp", xu hướng tất yếu ngành Nông nghiệp cần hướng đến.

Kính thưa Đại hội!

Để phát huy nội lực và sức sáng tạo, chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp xin chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

– Thứ nhất, thay đổi từ nhận thức đến hành động, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tiến tới sự lan toả từ lãnh đạo các cấp tới người nông dân

Thay đổi một nếp nghĩ, hình thành một tư duy mới đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ trong cả hệ thống chính trị Tỉnh, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng người nông dân. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp xem việcthực hiện tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hướng đến tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và từng bước lan toả đến người nông dân. Phải xác định việc chuyển đổi tư duy này là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải việc riêng của ngành Nông nghiệp. Cần lồng ghép và thực hiện đồng bộ trong các chương trình hành động, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phương thức lãnh đạo, điều hành trong cơ chế "tư duy kinh tế nông nghiệp "bảo đảm theo quy luật cung – cầu, phát triển cả 3 thị trường, đó là thị trường giao ngay, thị trường doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) và thị trường tương lai; lựa chọn và phát triển các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển hạ tầng thương mại phục vụ cho nông sản,đặc biệt là theo mô hình "kinh tế xanh", "kinh tế tuần hoàn" mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng; chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo, phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướngứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ nền tảng, công nghệ truyền thông và giao tiếp (ICT), tích hợp công nghệ sinh học, công nghệ nano và cơ giới hoá.

Cán bộ các cấp thường xuyên đi thực tế, tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã thông qua các buổi trò chuyện, hội thảo để định hướng, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để làm tốt vai trò người định hướng, "truyền lửa", hỗ trợ cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn mới. Đối với nông dân, cần tiếp tục chú trọng cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, giúp nông dân thay đổi nhận thức tư duy kinh tế thị trường và phương thức sản xuất mới, với quan điểm xem nông dân là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

– Thứ hai, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất

Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường. Với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo yêu cầu thị trường và hướng đến chủ động tạo ra xu thế tiêu dùng. Xác định nông nghiệp phải vừa là đầu vào, cũng vừa là nơi tiêu thụ của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Chuyển đổi các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả và thành lập mới các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã. Hợp tác xã không chỉ hướng đến lợi nhuận trong kinh doanh, mà phải đem lại lợi ích cho thành viên thông qua việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, liên kết với doanh nghiệp, cải tiến quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, thương mại điện tử và hình thành các dịch vụ bảo đảm được lợi ích kinh tế và lợi ích cộng đồng, như: Phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp; phát triển nông nghiệp kết hợp với năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp kết hợp với giáo dục hướng nghiệp… xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hàm lượng các yếu tố đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tiến tới hình thành "Một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường".

Tiếp tục cải tiến và phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các ngành hàng chủ lực của địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bằng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức lại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao; áp dụng chuyển đổi số, đưa kinh tế số vào nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức quy hoạch định hướng, khuyến khích sản xuất theo quy mô lớn, hạ giá thành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hoá, cơ giới hoá, tự động hoá. Thúc đẩy phát triển dự báo thị trường, chú trọng khảo sát nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy nâng cao chất lượng trên các dòng sản phẩm hiện có, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

– Thứ ba, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tạo thêm giá trị mới trên đơn vị diện tích canh tác

Chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thuỷ sản khác cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thuỷ sản…, góp phần đa dạng hoá sản phẩm và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác. Triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp. Từng bước tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Đồng thời, hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản và hợp tác xã phải trở thành chỗ dựa, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hình thành liên kết phát triển các tiểu vùng phù hợp, phát huy thế mạnh liên kết vùng trong phục vụ sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo tồn văn hoá, lịch sử và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác tài nguyên di sản văn hoá phi vật thể, các lễ hội dân gian, ẩm thực địa phương để phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, góp phần tiêu thụ nông sản tại chỗ, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, không chỉ cần có các giải pháp công trình (như: Đê, kè, đập…), mà còn cần đến giải pháp phi công trình, do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện, với sự điều chỉnh của quy hoạch sản xuất chung, thay đổi lịch thời vụ. Mô hình hợp tác xã hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viênlà nền tảng quan trọng hình thành sức mạnh cộng đồng trong sản xuất. Không có hợp tác xã đủ mạnh, hoạt động hiệu quả, sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Hợp tác xã trở thành mắt xích quan trọng để thực hiện tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi ngành hàng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và các nguồn tài nguyên là hữu hạn. Hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì… sẽ giúp hợp tác xã thực hiện tốt vai trò trong hình thành chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản.

– Thứ tư, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc làm gia tăng chuỗi giá trị ngành hàng, tạo thêm giá trị gia tăng và phát triển bền vững xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu, khai thác các giá trị tài nguyên bản địa hình thành các sản phẩm OCOP

Ứng dụng số hoá các hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã, các trang trại, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cụ thể để tham gia các nền tảng (platform) giúp kết nối cung – cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho các thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Phát động phong trào thi đua "sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ", kích hoạt sự tham gia tích cực của nông dân và sự hợp tác của doanh nghiệp, vận động hộ nông dân đăng ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thành lập mô hình hoạt động dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản.

Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả và bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, thì việc đưa một phần sản lượng vào chế biến là điều kiện tiên quyết, để giảm lượng cung hàng hoá cùng một thời điểm và góp phần đa dạng sản phẩm, tạo sự tiện lợi, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Khuyến khích người dân khởi nghiệp, lập nghiệp trên lĩnh vực chế biến nông sản, khai thác hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương; hoàn thiện các sản phẩm nông nghiệp chế biến gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng những câu chuyện gắn với từng sản phẩm, nâng cao giá trị văn hoá bản địa và làm tôn vinh giá trị sản phẩm; đồng thời, kết nối với thị trường thông qua các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hoặc mở các Trung tâm giới thiệu hàng hoá đặc sản ở các vùng, miền để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP đến với khách hàng.

– Thứ năm, phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết

Để thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp thành công, cần sự thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người dân, sao cho phát huy vai trò, nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tiến tới hợp tác, chia sẻ và cùng giúp nhau làm giàu. Với việc áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, như: Gia đình thi đua "Chung tay xây dựng nông thôn mới" với phương thức "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà"; mô hình "Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp đất để tạo mặt bằng và ngày công lao động trong phát triển giao thông nông thôn"; mô hình "Làng mới", "Làng thông minh" và các mô hình xây dựng điểm vui chơi thiếu nhi, "Cụm dân cư xanh, an toàn", "Nhà sạch, đường sạch", "Đồng ruộng sạch", "Dòng sông không rác"… Các mô hình: "Sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch"; "Giảm giá thành", "Bón phân thông minh – bón một lần cho cả vụ", "Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng và quảng bá thương hiệu", "Sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi giá trị" đang tạo ra xu hướng sản xuất mới, hiệu quả, chứng minh quyết tâm thay đổi và sự thích ứng của người nông dân Đồng Tháp trong giai đoạn phát triển mới của ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, mô hình "Hội quán" được hình thành trên cơ sở hoàn toàn "tự nguyện, tự chủ, tự quản" của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương châm"Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác" nhằm chia sẻ "chuyện làng, chuyện xóm", hướng đến hỗ trợ nhau trong cuộc sống hàng ngày và trong sản xuất, kinh doanh. Toàn Tỉnh hiện có hơn 110 Hội quán được thành lập và hoạt động ổn định, hiệu quả, với trên 6.000 thành viên tham gia và đã có 25 hợp tác xã được thành lập từ Hội quán. Thành công của Mô hình này được tin rằng sẽ dẫn dắt cho kinh tế hợp tác của Tỉnh phát triển bền vững; hoạt động của các Hội quán đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, "bao bọc" của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, tự quản, tự bàn, tự quyết định, tự lo cho chính mình và hợp tác để cùng phát triển; thay đổi tập quán sản xuất cá thể, đơn lẻ, để hình thành các mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu hàng hoá tập trung và cùng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Với những cách làm đó, qua một nhiệm kỳ, đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19 giai đoạn cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, nhưng tăng trưởng GRDP bình quân của Tỉnh hàng năm đạt 5,7%, năm 2020 là 3,45%, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; GRDP năm 2020 đạt hơn 87.500 tỷ đồng, gấp 1,53 lần so với năm 2015. Kết quả đó cho thấy, Đồng Tháp đã bước đầu phát huy tốt nội lực và sức sáng tạo, từng bước chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trườngđã duy trì sự phát triển ổn định, vượt bậc so với nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kính thưa Đại hội!

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, tỉnh Đồng Tháp đề xuất một số kiến nghị sau:

– Một là, cần có nghiên cứu để tính toán đầy đủ hơn đóng góp của khu vực nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế theo xu thế hiện nay, không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng làm thước đo cho sự tăng trưởng của Ngành, mà cần chú trọng hơn đến "lợi nhuận đạt được" của sản phẩm nông nghiệp.

– Hai là, cần có sự nghiên cứu, xem xét tách quy định về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp thành một Luật hoặc Nghị định riêng của Chính phủ.

– Ba là, hỗ trợ phát triển mô hình "Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho hoạt động của Vườn ươm, mà cả cho việc khuyến khích nhu cầu sáng tạo, kinh doanh của phía cầu và thúc đẩy tăng cường các dịch vụ hướng đến doanh nghiệp khởi nghiệp từ phía cung.

– Bốn là, quan tâm tổ chức, xây dựng đầy đủ nguồn cơ sở dữ liệu thông tinngành Nông nghiệp, thông tin về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với từng mặt hàng nông sản để có những đánh giá, dự báo chuyển động của thị trường, đưa ra các khuyến cáo phù hợp. Từ đó, Nhà nước sẽ có đủ thông tin để đề ra những chính sách phù hợp với thực tế sản xuất; người sản xuất, doanh nghiệp cũng có đủ thông tin để tự tính toán, đề ra cho mình phương án, lộ trình đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp hơn.

– Năm là, cần có nghiên cứu khoa học để nhanh chóng đề ra giải pháp tối ưu và có sự đầu tư kịp thờicho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy sông Mê Kông và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp.

Kính thưa Đại hội!

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp trân trọng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Đoàn Chủ tịch Đại hội, quý khách dự các đồng chí đại biểu. Chúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn Đại hội!