Lịch sử hình thành tên gọi các chòm sao thiên văn
Vào mỗi đêm, khi quan sát bầu trời đêm, chúng ta liên tưởng đến một loạt những câu chuyện thần thoại Hy Lạp như Anh Tiên bay đến giải thoát cho Tiên Nữ, Lạp Hộ đối mặt với những con thú dữ, Mục Phu và những con gấu quay quanh cực, đoàn tàu Argo đi tìm kiếm bộ lông cừu. Những điều này được mô tả bởi một nhóm các ngôi sao mà những nhà thiên văn học gọi là chòm sao.
Chòm sao là phát minh của trí tưởng tượng của con người, không phải do tự nhiên sắp đặt. Chúng là những khuôn mẫu qui ước do con người tưởng tượng ra từ những ngôi sao xuất hiện hỗn độn trong bầu trời đêm. Nó giúp cho việc định hướng trong hàng hải, dẫn dắt con người đi trên sa mạc, tính toán lịch nông nghiệp cổ đại, đồng hồ trong đêm tối. Việc phân chia bầu trời thành từng nhóm giúp ta kiểm soát việc đó dễ dàng hơn.
Những người mới biết đến thiên văn học, hẳn sẽ sớm thất vọng để tìm thấy phần lớn những ngôi sao trong chòm sao Tiểu Hùng và những cái tên của nó, chúng ta khó có thể hình dung được hình ảnh của nó trên bầu trời. Bầu trời đêm là một hình ảnh về trí tưởng tượng của con người, phản ánh những việc làm hoặc hiện thân của những vị thần, những động vật và những mẩu chuyện ngắn đầy tính nhân văn và thần thánh. Đó là một bức tranh rộng lớn mà ta quan sát được vào mỗi đêm khuya.
Vào buổi tối, những ngôi sao lấp lánh hiện lên khi Mặt Trời vừa lặn. Vào đầu thế kỷ XX, các nhà thiên văn học đã nói với chúng ta rằng ánh sáng nhấp nháy của những ngôi sao vắt ngang qua bầu trời là những quả cầu khí sáng rực rỡ tương tự như Mặt Trời của chúng ta, chỉ có điều là chúng khá to lớn và cách rất xa chúng ta. Độ sáng chói của mỗi ngôi sao là kết quả của sự kết hợp công suất bức xạ và khoảng cách đến chúng ta. Cho đến khi ánh sáng đó đến được tầm mắt của chúng ta thì đã nhiều năm trôi qua mà chúng ta rất khó nhận ra điều đó cả về không gian và thời gian. Thời xưa, những người Hy Lạp cổ đại và tổ tiên chúng ta không nhận biết được điều này và đã để lại cho chúng ta những chòm sao đầy tính thần thoại. Trong thực tế, những ngôi sao trong một chòm sao không hề liên quan đến nhau, trừ một số ngoại lệ. Chòm sao là sự kết nối của nhưng ngôi sao ở khoảng cách rất khác nhau mà chúng ta nhìn từ Trái Đất thấy chúng khá gần nhau, như chữ W của chòm sao Hậu Phát, từ giác của chòm sao Anh Tiên, lưỡi liềm trong chòm sao Sư Tử và Nam Thập Tự.
Hệ thống các chòm sao mà chúng ta sử dụng ngày nay, phần lớn từ danh sách 48 chòm sao được công bố vào thập kỷ 150 bởi nhà khoa học Hy Lạp Ptolemy trong cuốn sách Almagest. Sau đó các nhà khoa học đã bổ sung thêm 40 chòm sao nữa để lấp đầy những khoảng trống trên bầu trời không có trong danh sách các chòm sao của Ptolemy ở vùng quanh cực Nam Trái Đất, những nơi mà không thể quan sát được từ Hy Lạp. Kết quả là có 88 chòm sao kề nhau được chấp nhận bởi Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế (IAU).
Những chòm sao được Ptolemy liệt kê ra, không phải là phát minh của riêng ông mà chúng đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Tuy nhiên, cho đến ngày nay nó đã chìm sâu vào quá khứ do thời gian. Trước thời ông, Homer và Hesiod chỉ đề cập đến một vài nhóm ngôi sao như Đại Hùng, Lạp Hộ, Quần tinh sao Đám hạch lớn.
Chặng đường đầu tiên được nhìn nhận rõ ràng là ở phương Đông, ở vùng ven sông Tigris và Euphrates tại Irắc ngày nay. Vào thời Babylon, thời đại mà Homer và Heriod sống, những chòm sao hoàng đạo đã xuất hiện, đó là ở những vùng mà Mặt Trời, Mặt Trăng và những hành tinh đi qua. Chúng ta biết đến điều này thông qua một danh sách được viết trên đất sét có ghi ngày tháng vào năm 687 TCN. Scholars gọi danh sách này là MUL.APIN – tên của một vị thần được ghi trong bảng. Những chòm sao Babilon có nhiều nét tương đồng với những chòm sao mà ngày nay chúng ta biết đến, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Từ những văn bản khác nhau, các nhà sử học cho rằng những chòm sao này đã xuất hiện từ rất lâu trước đó, từ thời tổ tiên của họ là người Sumerians khoảng năm 2000TCN.
Xác minh nơi phát minh ra những chòm sao:
Nếu như Homer và Heriod đã đề cập đến những chòm sao Hoàng Đạo. Ta xem xét tập hợp các chòm sao trong danh sách của nhà thiên văn học Eudoxus (390TCN – 340TCN). Eudoxus được cho là học được những chòm sao từ những người thầy tu Ai Cập và giới thiệu nó cho người Hy Lạp. Ông đã công bố những chòm sao này trong 2 công trình Eloptron và Phaenomena. Cả 2 công trình này đều đã mất, nhưng Phaenomena vẫn tiếp tục sống mãi trong trường ca cùng tên của một học giả Hy Lạp khác là Aratus (315TCN – 245TCN). Phaenomena của Aratus đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về những chòm sao được biết đến bởi người Hy Lạp cổ đại.
Aratus được sinh ra ở Soli trong Cilicia tại bờ biển miền Nam mà ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; ông học ở Athena trước khi làm cho tòa án của vua Antigonus của Maccedonia ở Bắc Hy Lạp. Tại đó, nhà vua yêu cầu ông viết tác phẩm Phaenomena vào khoảng năm 275TCN. Trong tác phẩm của mình, ông đưa ra 47 chòm sao như Nước (nay là chòm sao Bảo Bình) và Đám mây to. Aratus đã đặt tên 6 ngôi sao: Arcturus, Capella, Sirius, Procyon, Spica, Vindemiatrix. Ngôi sao cuối cùng trong số đó là đáng ngạc nhiên hơn cả, vì nó là ngôi sao sáng yếu hơn các ngôi sao trước, nhưng người Hy Lạp dựa vào nó để tính lịch thu hoạch nho.
Không khó để tìm ra nơi phát minh ra những chòm sao trong danh sách của Eudoxus và Aratus. Đầu tiên, Aratus không đưa ra các chòm sao phương Nam vì nó thường ở dưới đường chân trời tại vị trí ra đời các chòm sao. Do đó từ phạm vi các chòm sao được đưa ra có thể kết luận, nơi ra đời các chòm sao ở trên vĩ tuyến 35-36oB, tức là vùng Nam Hy Lạp, Bắc Ai Cập ngày nay.
Từ thực tế là cực của Trái Đất có chuyển động lắc lư từ Tiến động làm ảnh hưởng đến vị trí của các ngôi sao. Từ sự phân tích mới của Bradley Schaefer của trường ĐHQG Louisana kết luận những mô tả của Eudoxus tương ứng với vùng trời năm 1130 TCN. Khi đó, ta có thể kết luận các chòm sao trong danh sách của Eudoxus và Arates được phát minh bởi những cư dân sống ở Nam vĩ tuyến 36oB. Tại thời điểm đó, còn quá sớm khi nói đến nền văn minh Hy Lạp nhưng lại quá muộn khi nói đến văn minh Ai Cập. Tuy nhiên thời gian và không gian ở trên lại phù hợp cho vùng đất Babilon nơi mà tổ tiên của họ là Sumerian sống trên dải đất Mesopatamia là nơi phát minh ra các chòm sao vào khoảng năm 2000TCN.
Nhưng tại sao hệ thống các chòm sao của Eudoxus không đề cập đến tác động chuyển động của thiên cực? Như chúng ta đã đề cập, những chòm sao được mô tả bởi Eudoxus và Aratus trong Phaenomena tính từ vị trí thiên cực của 1000 năm trước đó. Bởi vậy, tại thời đại Aratus chuyển dịch vị trí của thiên cực trên thiên cầu nên các ngôi sao ở dưới vĩ tuyến 36oB. Chuyển động này của thiên cực chỉ được đề cập đến bởi Hipparchus (146TCN – 127TCN).
Giáo sư Archie Roy của trường ĐH Glassgow tranh luận về xuất sứ ra đời của các chòm sao không phải từ Babilon và Ai Cập mà đến từ một nền văn minh nào đó, mà ông đề xuất là Minoans trên đảo Crete và những hòn đảo lân cận ven biển Hy Lạp bao gồm Thera. Crete ở giữa vĩ tuyến 35o và 36oB và đế chế này tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 3000TCN đến năm 2000TCN.
Hơn nữa Minoans là nơi thường diễn ra những hoạt động tiếp xúc với Babylon qua Syria trong giai đoạn sớm. Từ đây chúng ta có thể kết luận nơi ra đời các chòm sao có thể từ Minoans.
Nhưng nền văn minh Minoans đã bị xóa vết từ khoảng năm 1700TCN bởi sự phun trào núi lửa từ hòn đảo Thera cách khoảng 120km về phía Bắc Crete. Đó là một thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử loài người. Giáo sư Roy cho rằng, người Minoans đã đem nó đến Ai Cập trước khi xảy ra thảm họa và trải qua khoảng 1000 năm sau đó được Eudoxus ghi lại.
Luận điểm của giáo sư Roy khá thuyết phục, đồng thời hầu hết các thần thoại về các chòm sao có gắn với Crete. Tuy nhiên nó không được chấp nhận do không có những chứng cứ hiện vật như hình ảnh hay mô tả nào về các chòm sao được tìm thấy ở Crete nên nó được cho là suy đoán thiếu căn cứ xác thực.
Nguồn gốc thần thoại về các chòm sao
Phaenomena của Aratus là một bản trường ca vĩ đại mang tính quần chúng về các chòm sao. Sau đó nó được dịch sang tiếng Latinh. Những phiên bản cổ đại của nó có tính minh họa cao. Cho mục đích của chúng ta, bản dịch hữu ích nhất là của Germanicus Caesar (15TCN – 19) nơi nó chứa đựng nhiều thông tin nhất về nguồn gốc tên gọi các chòm sao. Theo D.B.Gain, phiên bản này có thể là được viết bởi Germanicus hoặc bởi con trai ông Tiberius Caesar.

Sau Artus, chúng ta chuyển sang xem xét đến Eratosthenes (276TCN – 194TCN), tác giả của Catasterisms. Ông là nhà khoa học Hy Lạp, làm việc cho Alexandria tại vùng sống Nile. Catasterisms kể về thần thoại 42 chòm sao riêng biệt và những ngôi sao chính. Một phiên bản của Catasterisms là một bản sao còn sót lại và chỉ là một bản tóm tắt viết vào một thời điểm chưa được xác định rõ và nó khẳng định rằng bản chính được viết bởi Eratosthenes.
Một nguồn khác, cũng kể về thần thoại các chòm sao là cuốn sách thiên văn học Poetic Astronomy của tác giả La Mã Hyginus được viết vào thế kỷ thứ II. Chúng ta không biết nhiều về Hyginus, thậm chí ngay cả cái tên đầy đủ của ông, nhưng chắc chắn ông không phải là C.Julius Hyginus – một nhà văn La Mã sống vào thế kỷ I TCN. Cuốn sách của ông cơ bản nói về các chòm sao trong danh sách của Eratosthenes, nhưng nó chứa đựng thêm nhiều câu chuyện bổ sung. Hyginus cũng viết một bản thần thoại tóm tắt có tên là Fabulae. Trong thời phục hưng và trung cổ, nhiều phiên bản của Hyginus được ấn bản.
Marcus Manilius, một học giả La Mã mà chúng ta biết rất ít thông tin về ông đã viết cuốn sách Astronomica vào khoảng năm 15 dựa theo Phaenomena của Aratus. Tuy nhiên, nó chứa đựng phần lớn là thuật chiêm tinh hơn là thiên văn học nhưng nó cũng cung cấp những thông tin nhất định về nguồn gốc thần thoại của các chòm sao.
Ngoài ra, trong thiên văn học cũng đề cập đến 3 tên tuổi khác mặc dù họ không phải là những nhà thiên văn học nhưng cũng góp phần tìm hiểu nguồn gốc tên gọi các chòm sao. Trước tiên là nhà thơ Ovid của La Mã (43TCN – 17) – người đã kể lại nhiều thần thoại trong cuốn sách Metamorphoses lý giải tất cả những biến đổi trong vũ trụ và Fasti – cuốn lịch La Mã. Apollonicus là một người Hi Lạp, người đã biên tập tóm lược gần như là một cuốn sách giáo khoa về thần thoại vào thế kỷ I TCN. Cuối cùng là nhà văn Hi Lạp Apollonicus Rhodius với Argonautica là một bản anh hùng ca ca ngợi Jason và Argonauts, được biên soạn trong gần 1/3 thế kỷ, chứa đựng nhiều câu chuyện thần thoại.
48 chòm sao của Ptolemy
Thiên văn học Hi Lạp đạt tới đỉnh cao dưới thời Ptolemy (100-178), người làm việc cho Alexandria, Ai Cập. Khoảng thập niên 150, Ptolemy giới thiệu một bản tóm lược kiến thức thiên văn học Hi Lạp mà nó thường được biết đến với tiêu đề Ả Rập Almagest. Phần trung tâm của cuốn sách là danh mục hơn 1000 ngôi sao được xếp vào 48 chòm sao sáng từ tài liệu của Hipparchus ba thế kỷ trước đó.
Tiên Nữ | Bảo Bình | Thiên Ưng | Thiên Đàn | ArgoNavis | Bạch Dương |
Ngự Phu | Mục Phu | Cự Giải | Đại Khuyển | Tiểu Khuyển | Ma Kết |
Tiên Hậu | Bán Nhân Mã | Tiên Vương | Kình Ngư | Bắc Miện | Nam Miện |
Ô Nha | Cự Tước | Thiên Nga | Hải Đồn | Thiên Long | Tiểu Mã |
Ba Giang | Song Tử | Vũ Tiên | Trường Xà | Sư Tử | Thiên Thố |
Thiên Xứng | Sài Lang | Thiên Cầm | Xà Phu | Lạp Hộ | Phi Mã |
Anh Tiên | Song Ngư | Nam Ngư | Thiên Tiễn | Nhân Mã | Thiên Hạt |
Cự Xà | Kim Ngưu | Tam Giác | Đại Hùng | Tiểu Hùng | Thất Nữ Trinh Nữ |
Ptolemy không định danh những ngôi sao trong danh mục của mình bởi các ký tự Hy Lạp như trong thiên văn học hiện nay, nhưng ông mô tả vị trí của nó trong chòm sao. Như trong chòm sao Kim Ngưu có ngôi sao "mắt đỏ phía Nam" (nay là Aldebaran), đôi khi nó có cái tên khá cồng kềnh như "2 ngôi sao tận cùng phía Nam của cái móc nhỏ ở đuôi con tàu" để chỉ ngôi sao Xi – Thuyền Vĩ.
Thêm vào đó, việc mô tả những ngôi sao bởi vị trí của chúng đã được sử dụng bởi Eratosthenes và Hipparchus. Như vậy, rõ ràng thời Hy Lạp cổ đại chú ý đến những chòm sao không phải đơn thuần là tập hợp những ngôi sao mà từ bức tranh gắn với bầu trời. Điều này có thể nhận ra rõ ràng hơn khi các ngôi sao có tên cụ thể, nhưng Ptolemy chỉ đặt tên 4 ngôi sao đã được dùng trong 4 thế kỷ trước là: Altair, Antares, Regulas, Vega.
Thật khó có thể nói hết vai trò của Ptolemy đối với thiên văn học, hệ thống những chòm sao mà chúng ta đang sử dụng ngày nay thực chất là của Ptolemy, được sửa đổi và mở rộng. Cả châu Âu và Ả Rập dùng nó trong trên 1500 năm. Từ trong cuốn sách Atlas Coelestic của nhà thiên văn học quý tốc John Flansteed xuất bản năm 1729 viết: "Từ thời Ptolemy đến chúng ta, những cái tên được ông sử dụng vẫn được tiếp tục sử dụng và học tập ở tất cả các nước, người Ả Rập luôn luôn sử dụng khuôn mẫu của ông và tên những chòm sao. Danh sách Latinh cổ đại và những ngôi sao cố định cũng được sử dụng trong danh sách của Corpernicus và của Tycho Brahe, những danh sách xuất bản bằng tiếng Đức, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Anh cũng sử dụng. Tất cả những quan sát khoa học và chuẩn mực đều sử dụng chòm sao và tên ngôi sao theo khuôn mẫu của Ptolemy, và chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu xa rời chuẩn mực đó".
Định danh Ả Rập
Sau thời đại Ptolemy, thiên văn học Hi Lạp trở lên lu mờ, bởi vào thế kỷ VIII, trung tâm thiên văn học di chuyển về phương Đông từ Alexandria sang Baghdad, nơi mà cuốn sách của Ptolemy được dịch sang tiếng Ả Rập với cái tên Almagest mà ngày nay chúng ta biết đến nó. Al-Sūfǐ (903-986) còn được biết đến với cái tên Latinh là Azophi là nhà thiên văn học Ả Rập lớn nhất giới thiệu phiên bản của ông về cuốn sách Almagest trong Book of the Fixed Stars (Cuốn sách về những ngôi sao cố định) giới thiệu nhiều ngôi sao được đặt tên Ả Rập.
Nhiều ngôi sao sáng được đặt tên Ả Rập, như Aldebaran mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng từ họ. Họ cũng có những hiểu biết rất khác từ người Hy Lạp, những ngôi sao riêng biệt thông thường để đại diện cho một động vật hay một con người. Ví dụ, ngôi sao α và β Xà Phu có tên Ả Rập là người chăn cừu và con chó của ông. Và nhiều ngôi sao khác có cái tên như lạc đà, linh dương, đà điểu, linh cẩu.
Nhiều cái tên Ả Rập của Al-Sūfǐ qua nhiều thế kỷ hiện nay không còn nữa. Nhiều ngôi sao khác được Al-Sūfǐ dịch trực tiếp của Ptolemy, ví dụ "miệng cá phương Nam".
Một thành tựu nổi bật của thiên văn học Ả Rập là kính đo vị trí thiên thể, một phát minh tương tự phỏng cầu Hi Lạp, nhờ đó tính toán được vị trí của chúng trên thiên cầu.
Từ thế kỷ X, việc dịch công trình của Ptolemy được lan ra toàn châu Âu bởi sự xâm lược và thống trị của Ả Rập sang tiếng Latinh – ngôn ngữ của khoa học hiện nay. Tại Toledo có một bản dịch trong thế kỷ XII, từ đó lan khắp châu Âu, không chỉ toán học mà cả các khoa học khác, từ tiếng Hi Lạp được dịch sang tiếng Ả Rập, rồi từ tiếng Ả Rập dịch sang tiếng Latinh và được lan truyền ra toàn châu Âu vào thời trung cổ nên chứa đựng trong nó những ngôi sao bằng tiếng Ả Rập và tiếng Hi lạp.
Mở rộng 48 chòm sao của Ptolemy
Mặc dù số lượng những ngôi sao bằng tiếng Ả Rập tăng lên trong khi số lượng chòm sao không đổi. Mở rộng đầu tiên về danh sách 48 chòm sao của Ptolemy được tiến hành vào năm 1536 trên thiên cầu của nhà thiên văn học kiêm bản đồ học người Đức Caspar Vopel (1511-1561) – người coi Antinous và Hậu Phát là những chòm sao riêng biệt, mà trong cuốn sách Almagest của Ptolemy đề cập chúng là bộ phận chia nhỏ của chòm sao Thiên Ưng và Sư Tử tương ứng. Sau Vopel, năm 1551, trên thiên cầu của nhà bản đồ học lớn người Hà Lan Gerardus Mercator. Nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahe gọi Antinous và Hậu Phát là những chòm sao riêng rẽ trong danh mục của ông vào năm 1602, làm cho thông tin này được lan rộng. Sau này Hậu Phát là chòm sao được thừa nhận trong khi Antinous được gộp vào chòm sao Thiên Ưng.
Thời trung cổ, những cuộc thám hiểm được tiến hành ồ ạt, những nhà thiên văn học lái sự chú ý của mình đến những vùng mà bấy giờ chưa được đánh dấu trên thiên cầu nam do nó luôn nằm ở phía dưới đường chân trời ở thời Hi lạp cổ đại, với 3 tên tuổi nổi bật vào thời kỳ này là Petrus Plancius (1552-1622) – một giáo sư thiên văn học và bản đồ học người Hà Lan, với cái tên Latinh là Pieter Platevoet và 2 tên tuổi còn lại cũng là người Hà Lan là Petrus Theodorus hoặc Peter Theodore và Frederick de Houtman (1571-1627).
Do thám bầu trời phương Nam
Plancius theo chỉ dẫn của Keyser tiến hành những quan sát để điền vào những khu vực chống xung quanh thiên cực nam. Keyser đi trên con tàu Hollandia và Mauritius, 2 trong số 4 con tàu khởi hành từ Hà Lan trên hành trình buôn bán và thám hiểm vùng Đông Ấn và cập cảng Mađagaxca. Keyser là một con người khá thành thạo thiên văn và toán học. Học giả Hà Lan A.J.M.Wandes trong cuốn sách In the Realm of the Sun and stars đã miêu tả những quan sát của Keyser, sau đó được bàn giao lại cho Plancius. Keyser chết vào tháng 9/1596 trên hành trình tại Bantam (hiện nay là Banten – một địa danh gần Java). Danh sách của ông để lại gồm 135 ngôi sao được trao cho Plancius khi chuyến tàu này quay trở lại Hà Lan một năm sau đó. Đáng tiếc là có quá ít tài liệu nói về cuộc đời và sự nghiệp của Keyser, nhưng tên tuổi của ông đã được ghi danh trên bầu trời.
Những ngôi sao của Keyser được chia thành 12 chòm sao mới, nó xuất hiện lần đầu tiên trên quả cầu của Plancius và 2 năm sau đó là trên quả cầu của nhà bản đồ học Hà Lan Jodocus Hondius. Những ngôi sao này được chính thức công nhận bởi Johann Bayer – một nhà thiên văn học người Đức trong cuốn sách Uranometria xuất bản năm 1603, một bản đồ sao có giá trị hàng đầu khi đó. Những quan sát của Keyser cũng được xuất bản trong cuốn sách Rudolphine Tables của Johannes Kepler năm 1627. Đáng tiếc là bản thảo gốc của Keyser đã mất nên chúng ta không biết được liệu Keyser có phân loại những ngôi sao của mình thành 12 ngôi sao hay không hay là một người khác như Plancius.
Hạm đội Hà Lan, nơi mà Keyser là thuyền trưởng sau đó được trao cho nhà thăm dò Cornelis de Houtman, một trong những thủy thủ của ông là em trai ông là Frederick de Houtman – người đã giúp đỡ Keyser rất nhiều trong những quan sát của ông. Trong cuộc thám hiểm lần 2 vào năm 1598, Cornelis bị giết và Frederick bị bỏ tù ở phía Bắc Xumatra. Frederick đã tiến hành quan trắc và học tiếng Mã lai trong 2 năm bị cầm tù.
Năm 1603, sau khi trở về Hà Lan, Frederick de Houtman công bố những quan sát của mình như là một mục lục từ điển Mã lai và Mađagaxca mà ông biên tập trong đó có một phần là lược sử thiên văn. Trong lời giới thiệu, ông viết: "Bổ sung xích vĩ của một vài ngôi sao cố định trong suốt thời gian đầu của cuộc hành trình của tôi bằng đường biển và quan sát vùng thiên cực Nam và trong suốt lần thứ hai trên hòn đảo Xumatra, với một sự cần mẫn lớn lao và kiên trì".
De Houtman đã gia tăng số ngôi sao của Keyser lên con số 303, mặc dù trong đó đã có 107 ngôi sao đã được Ptolemy liệt kê, phù hợp với danh mục của nhà thiên văn học E.B.Knobel.
Từ danh sách những ngôi sao phương Nam của De Houtman, nó được chia thành 12 chòm sao thể hiện trên quả cầu của Plancius và Hondius, và được sử dụng bởi nhà bản đồ học Hà Lan Wiliem Janpzoon Blaeu được công bố vào năm 1603. Keyser và Houtman được cho là đồng phát minh của 12 chòm sao phương Nam mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay.
Thiên Yến | Yển Diên | Kiếm Ngư | Thiên Hạc | Thủy Xà | Ấn Đệ An |
Thương Dăng | Khổng Tước | Phượng Hoàng | Nam Tam Giác | Đỗ Quyên | Phi Ngư |
Tuy nhiên, nhà sử học Hà Lan Elly Dekker đã tranh luận về sự phân chia 12 chòm sao là của Petrus Plancius sau khi ông nhận được danh mục của Keyser vào năm 1597.
Nhưng dù sao đi nữa, Plancius cũng phát minh ra một số chòm sao cho riêng mình, trong số đó là Thiên Cáp mà ông đưa ra gồm 9 ngôi sao mà trước đó Ptolemy đưa vào trong chòm sao Đại Khuyển, cùng với những chòm sao Kỳ Lân, Lộc Báo gồm những ngôi sao sáng khá yếu ớt mà không được liệt kê trong danh sách của Ptolemy.
Lấp đầy những lỗ hổng còn lại trên thiên cầu
Do độ chính xác trong các quan chắc thiên văn ngày càng được cải thiện mà những ngôi sao sáng yếu ớt được vẽ lên bản đồ sao, tạo điều kiện cho những nhà canh tân giới thiệu những chòm sao mới, thậm chí trên những vùng trời chưa từng được biết đến trong thời Hi lạp cổ đại. 10 chòm sao mới được giới thiệu vào cuối thế kỷ XVII bởi nhà thiên văn học Ba Lan Johannes Hevelius (1611-1687) đã lấp đầy những lỗ hổng còn lại trên thiên cầu Bắc. Chúng bao gồm những ngôi sao được ông ghi chép vào năm 1687 và được vẽ lên bản đồ sao kèm theo của ông mang tên Firmamentum Sobiescianum. Cả 2 đều được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1690. Đặc biệt, Hevelius đã cố gắng quan sát bằng mắt thường, mặc dù những kính thiên văn thời bấy giờ là rất sẵn. Nhiều ngôi sao trong số đó sáng rất yếu ớt nhưng vẫn nhìn thấy được thông qua thị lực phi thường của ông. Trong số 10 chòm sao mà ông giới thiệu có 7 chòm sao được các nhà thiên văn học chấp nhận là:
Lạp Khuyển | Hiết Hổ | Tiểu Sư | Thiên Miêu |
Thuẫn Bài | Lục Phân Nghi | Hồ Ly |
và 3 chòm sao không được chấp nhận là Cerberus, Mons Maenany và Tam Giác Nhỏ.
Mặc dù các chòm sao phương Bắc đã đầy đủ, nhưng vẫn còn những lỗ hổng trên bầu trời phương Nam. Nó đã được điền đầy bởi nhà Thiên văn học người Pháp Nicolas Louis de Lacaille (1713-1762) trên đường đi thám hiểm Nam Phi năm 1750. Tại đó, ông dựng một đài quan sát thiên văn cỡ nhỏ tại mũi Hảo Vọng (nay là vùng Cape Town) dưới chân núi Table – một địa điểm để lại cho ông nhiều ấn tượng và sau này, ông đã lấy địa điểm này để đặt tên cho 1 chòm sao – chòm sao Sơn Án. Tại Mũi Đất, từ tháng 8/1751 đến tháng 7/1752, Lacaille đã quan sát được vị trí của gần 10000 ngôi sao, một việc làm đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian khá ngắn.
Sau khi trở về Pháp năm 1754, Lacaille đã giới thiệu một bản đồ sao phương Nam với Viện hàn lâm Hoàng gia Pháp, trong đó ông giới thiệu 14 chòm sao mới được ông đặt tên:
Tức Đồng | Điêu Cụ | Viên Quy | Thiên Lô |
Thời Chung | Sơn Án | Hiển Vi Kính | Củ Xích |
Nam Cực | Hội Giá | La Bàn | Võng Cổ |
Ngọc Phu | Viễn Vọng Kính |
Một bản sao của nó được xuất bản trong Mémoires của Viện hàn lâm năm 1756 và nó nhanh chóng được các nhà thiên văn khác chấp nhận.
Trong khi phần lớn những chòm sao của Keyser và Houtman được đặt tên những loài động vật ngoại lai thì Lacaille lại đặt tên những chòm sao của mình để kỷ niệm những phát minh khoa học, hội họa, âm nhạc. Ngoại trừ chòm sao Sơn Án – tên trước đây của núi Table nơi mà ông thực hiện những quan sát. Danh sách đầy đủ của ông và một bản đồ sao với tên các chòm sao theo tiếng Latinh được xuất bản sau khi ông qua đời năm 1763 với tiêu đề Coelum Australe Stelliferum. Trong danh sách này, ông chia chòm sao Argo Navis – tên một con tàu thành 3 chòm sao: Thuyền Để, Thuyền Vĩ, Thuyền Phàm mà ngày nay chúng ta sử dụng.
Kể từ thời Lacaille về sau này, tất cả những ai cố gằng làm sai lệch các chòm sao đều không thành công, nhưng nhiều nhà thiên văn học vẫn cố gắng để thử. Rất nhiều chòm sao được nhà thiên văn học người Đức Johann Elert Bode (1747-1826) giới thiệu trong bản đồ sao Uranogphia xuất bản năm 1801, nhưng chúng nhanh chóng bị lãng quên sau đó. năm 1899, nhà sử học Mỹ R.H.Allen đã viết trong sách Star Name and their Meaning: "Từ 80-90 chòm sao là được hiện nay ít nhiều được thừa nhận".
Ấn định 88 chòm sao
Một thiếu sót lớn là vẫn chưa đưa ra ranh giới chung thống nhất giữa các chòm sao. Từ thời Bode, ông đã dùng những dấu chấm ngoằn nghoèo để phân định ranh giới giữa những chòm sao. Tuy nhiên nó không được thống nhất từ bản đồ này sang bản đô khác. Vấn đề đó chỉ được thống nhất qua một Hiệp hội Thiên văn học quốc tế (IAU).
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên năm 1922, IAU đã chính thức chấp nhận danh sách 88 chòm sao bao trùm toàn bộ bầu trời mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. IAU trao trách nhiệm cho nhà thiên văn học người Bỉ Eugène Delporte (1882-1955) vẽ đường ranh giới giữa các chòm sao.
Để thuận tiện cho công việc của mình, nhà thiên văn học người Mỹ Benjamin Apthorp Gould (1824-1896) vào năm 1877 đã phân định ranh giới các chòm sao phương Nam trên tấm bản đồ Uranometria Argentina. Delporte vẽ ranh giới các chòm sao bằng đường thẳng theo đường xích kinh và xích vĩ của năm 1875. Ranh giới đó đảm bảo tất cả những ngôi sao biến đổi ở lại trong chòm sao trên đường di chuyển của chúng, Delporte đã sửa đổi một số đoạn của Gould, đặc biệt sử dụng đường chéo.
Công trình của Delporte, được IAU phê chuẩn năm 1928 và được xuất bản vào năm 1930 trong cuốn sách Délimitation Scientifique des Constellations – một hiệp ước quốc tế trong sự phân định ranh giới bầu trời mà tất cả các nhà thiên văn học quốc tế phải tuân theo.
Như vậy, những chòm sao bây giờ được quan tâm không phải là những ngôi sao riêng lẻ mà là một vùng trên bầu trời, tương tự như những quốc gia trên Trái Đất. tuy nhiên không giống như trên Trái Đất, bản đồ bầu trời là bất biến.