Khu du lịch Núi Bà Đen

21/12/2020 | Sưu tầm | 398 xem

Khu du lịch núi Bà Đen thuộc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh 11km về phía đông bắc. Quần thể di tích núi Bà trải rộng 24km2, bao gồm ba ngọn núi tạo thành: núi Heo – núi Phụng – núi Bà Đen.

Núi Bà Đen cao 986m, cao nhất Nam Bộ. Núi Bà Đen còn gọi là núi Điện Bà, có tên là Vân Sơn, vì thường có mây phủ, hay còn có tên là núi Mới. Hệ thống chùa Điện Bà trên núi gồm: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thành Long, động Ông Hồ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… Đường lên đỉnh núi Bà Đen rất quanh co, có nhiều cảnh trí do thiên nhiên tạo ra. Nơi đây còn có hệ thống cáp treo lên thẳng đỉnh núi, giúp cho du khách dễ dàng hơn khi đến vùng đất tâm linh này.

Xuất xứ tên gọi

Chùa Bà Đen

Tương truyền rằng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, những cuộc xung đột giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên phong trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh ngày nay), tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò giúp Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật (bà đen) và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường ào, ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh lên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể cô được đem về mai táng, phụng thờ. Tin này lan rộng ra, và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người dân cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây.

Các điểm tham quan chính

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chùa Bà Chúa Thượng)

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chùa Bà Chúa Thượng)

Chùa do thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII. Sau biến cố của lịch sử, chùa bị tàn phá và được khởi công xây dựng lại vào ngày 16/10/Bính Tý (26/11/1996) và lạc thành vào ngày 20/11/Đinh Sửu (19/12/1997). Chùa có diện tích 210m2 (bề rộng 14m, bề dài 15m). Chùa mang nét kiến trúc kết hợp hài hòa  nét đẹp của nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời tổ Tâm Hòa (năm 1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đường kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp.

Chùa Linh Sơn Phước Trung (Chùa Trung)

Chùa Linh Sơn Phước Trung (Chùa Trung)

Năm 1871, tổ Phước Chí cho xây chùa Phước Lâm kề cận dòng sông chảy qua ấp Vĩnh Xuân để khách hành hương đi bằng đường thủy ghé chùa nghỉ ngơi trước khi lên núi. Đến đời tổ Chơn Thoại, ngài thấy cần xây một trạm dừng tại chân núi, tạo thuận lợi cho khách hành hương.

Chùa Linh Sơn Long Châu (Chùa Hang)

Chùa Linh Sơn Long Châu (Chùa Hang)

Chùa được xây dựng năm 1864, cách chùa Thượng khoảng 300m do nhà sư người Chiêm Thành, tục gọi là ông Chàm, lấy hang đá làm nơi tu hành. Khoảng năm 1864, sư Huệ Mang khai sơn chùa Linh Sơn, Long Châu.