Khu du lịch Măng Đen

24/12/2020 | Sưu tầm | 462 xem

Nằm e ấp ẩn mình trong bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng Tây Nguyên, ẩn hiện trong mây trời với độ cao trên 1200m so với mực nước biể. Khu du lịch sinh thái Măng Đen được ví như một "nàng tiên nữ giữa đại ngàn", một Đà Lạt thứ hai. Có vẻ thiên nhiên đất trời đã hào phóng ban tặng cho vùng đất Kon Plông – Kon Tum một món quà vô giá, với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ không kém phần quyến rũ của những rặng thông đỏ trải dài như vô tận của sông, của suối, của hồ, của những bản trường ca hào hùng tuôn chảy ngày đêm…

Khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plông cách thành phố Kon Tum khoảng 50km về phía đông bắc, ở giữa hai đèo Violắk và Măng Đen, nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Khí hậu nơi đây mát mẻ, hơi se lạnh, quanh năm nhiệt độ dưới 20oC.

Khu du lịch sinh thái Măng Dên có diện tích trên 115000ha. Ngày 13/4/2000, Măng Đen đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh.

Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên", được kết nối với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh" để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Măng Đen là tên một địa danh mà người Kinh đọc chệch ra từ tên địa danh T'Măng Yeeng của người Mnông có nghĩa là đẹp như một vùng phong cảnh rộng lớn ở trên trời.

Thác Đắk Ke, Hồ Đắk Ke

Thác nằm trên dòng suối Đắk Lô. Theo truyền thuyết dòng suối chảy xuống thành thác là khu vực hay có dê núi, dê rừng tới uống nước nên được người địa phương gọi là Kơi Keh (Kơi: suối; Keh: dê núi, dê rừng). Sau này thác được người Kinh gọi là thác Đắk Ke (ghép từ chữ Đắk Lô và Kơi Keh; Đắk: nghĩa là nước, Keh: nghĩa là "dê núi, dê rừng").

Thác Đắk Ke, Hồ Đắk Ke

Thác Pa Sỹ

Tên gốc là Pau Suh, là tiếng của người dân tộc bản địa, thác được hình thành từ ba ngọn suối lớn nhất trên đất Măng Đen gộp lại và đổ thành dòng thác (Pau Suh: ba nguồn suối chụm lại thành một dòng). Sau này được người Kinh đọc chệch đi là Pa Sỹ.

Thác Pa Sỹ

Rừng già Kon Plông

Khu rừng già Kon Plông có diện tích 136000ha, độ che phủ trên 85%, là một trong những nơi duy nhất tại Việt Nam còn giữ được sự toàn vẹn, đực biệt là loài thông đỏ rất quý hiếm, đã bị mất hẳn tại Đà Lạt. Quần thể động vật rừng cũng rất phong phú với 333 loài động vật, gồm 33 loài thú, 129 loài chim, 20 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và loài bướm…, trong đó có 8 loài động vật nằm trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu và 2 loài vượn bạc má và gấu chó được ghi trong danh sách các loài thiếu dữ liệu.

Rừng già Kon Plông

Vườn Tượng Kon Plông

Quy tụ trên một cánh rừng nguyên sinh ở Măng Đen – Kon Plông (Kon Tum) là hàng trăm tác phẩm tượng gỗ được điêu khắc từ những bàn tay thô mộc của các nghệ nhân đến từ các buôn làng Ba Na, Brâu, Gié Triêng, Xơ Đăng, Gia Rai, Rơ Mâm mang ý nghĩa phồn thực, tượng trưng vô cùng độc đáo.

Vườn Tượng Kon Plông