Khu du lịch Côn Đảo

22/12/2020 | Sưu tầm | 691 xem

Nằm trên bản đồ, Côn Đảo giống như một chú gấu vươn mình ra biền Đông, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh và bờ cát dài… được che mát bởi những hàng cây bàng cổ thụ. Côn Đảo còn là vườn quốc gia với rừng nguyên sinh và thảm động, thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài cá đủ màu bơi tung tăng bên những rạn san hô nhiều tầng và đầy màu sắc. Rừng có nhiều chủng loại phong lan; động vật rừng có sóc đen, sóc đỏ da, chim gầm ghì… Đặc biệt Côn Đảo là một trong một số ít nơi tại Việt Nam đang bảo tồn loài bò biển (dugong), cá heo, các loại rùa biển (vích)…

Côn Đảo từng được biết đến là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng kiên cường của những nhà cách mạng, những người yêu nước Việt Nam. Từ một địa ngục trần gian, Côn Đảo nhanh chóng chuyển mình thành một trong những hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh… có thể làm lạc bước chân mỗi du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này.

Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía đông nam của Việt Nam, còn được biết đến qua những cái tên khác nhau như Côn Sơn, Côn Lôn hay Côn Nôn, cũng có tên khác theo cách gọi của người Khơ me là Koh Tralach, là một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý.

Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 76km2, trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 51km2, dân số khoảng 6000 người…

Côn Đảo của Việt Nam được tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet của Anh đưa vào danh sách một trong 10 hòn đảo hấp dẫn và tốt nhất thế giới năm 2011, để nghỉ một kỳ nghỉ lãng mạn.

Tên Côn Đảo có nguồn gốc Mã Lai từ chữ "Pulau Kundur" nghĩa là "Hòn Bi". Người Âu châu phiên âm là "Poulo Condor". Sử Việt thì gọi là "đảo Côn Lôn" có thể cũng từ "Kundur" mà ra.

VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO

Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6000ha trên cạn và 14000ha vùng nước. Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)… Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam. Có thể coi Côn Đảo như một cầu nối co sự phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương đến vùng biển ven bờ Việt Nam.

Vườn quốc gia Côn Đảo

Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và trang đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (Dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển.

HỆ THỐNG DI TÍCH NHÀ TÙ CÔN ĐẢO

Côn Đảo là khu nhà tù lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta. Trong suốt 113 năm thống trị (1862-1975) đế quốc Pháp – Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và nhưng người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Từ lâu Côn Đảo đã đi vào tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước cùng bạn bè quốc tế nư vùng đất thánh thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Di tích Nhà tù Côn Đảo

Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được trùng tu để trở thành một di tích lịch sử cách mạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Mô hình các tù nhân chính trị trong trại giam cũng đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của nơi đã từng một thời được coi là "địa ngục trần gian".

Một số điểm tham quan tiêu biểu trong cụm di tích nhà tù Côn Đảo:

Cầu tàu lịch sử: cầu tàu được khởi công xây dựng năm 1873, với phác thảo dài 107m, từ mép lộ trước cộng Dinh Chúa đảo lao thẳng ra vịnh Côn Sơn. Cầu còn có tên gọi khác là cầu tàu 914, bởi từ khi xây cầu đến lúc hoàn thành đã có khoảng 914 người chết tại đây.

Cầu tàu lịch sử

Bảo tàng Côn Đảo: nằm đối diện với di tích lịch sử cầu tàu 914. Trước ngày giải phóng, nhà bảo tàng chính là nhà chúa đảo, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 2ha. Trước kia, đây là nơi làm việc của 53 đời chúa đảo khét tiếng tàn ác, nơi tập trung cao nhất quyền lực trên đảo, cả về hành chính, tư pháp và quân sự. Ngày nay nhà chúa đảo đã được sử dụng làm nhà bảo tàng Côn Đảo.

Bạn sẽ được xem lại các hình ảnh, hiện vật trưng bày tội ác mà chế độ thực dân, đế quốc sử dụng để tra tấn người tù cách mạng; xen chân dung các chiến sĩ tù chính trị ở Côn Đảo đấu tranh kiên cường bất khuất, nghe giới thiệu về địa ngục trần gian và xem hình ảnh các chuồng cọp, chuồng bò thời Pháp – Mỹ xâm lược.

Bảo tàng Côn Đảo

Banh 1 (trại Phú Hải): là trại tiêu biểu về quy mô, được xây dựng năm 1862, diện tích 12015m2, là trại giam cổ nhất trong hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, trong trại này có hầm đá, hầm xay lúa, dùng để giam cầm và giết hại tù nhân.

Banh 1 trại Phú Hải

Chuồng cọp Pháp: được xây dựng năm 1940, diện tích 5475m2, có 120 phòng giam, 60 phòng không có mái che, dùng để hành hạ tra tấn tù nhân, bên trên có để thùng vôi bột và nước bẩn, nếu người tù đấu tranh và chống đối thì vôi bột sẽ được ném xuống và dội nước.

Chuồng cọp Pháp

Chuồng cọp Mỹ: còn gọi là trại giam VII, xây dựng xong năm 1971, trại giam có diện tích 25768m2, chia thành 8 khu: A, B, C, D, E, F, G, H, mỗi khu có 48 xà lim, tổng cộng là 384 xà lim biệt lập. Diện tích phòng giam là 2562m2, diện tích nhà phụ thuộc là 637m2, diện tích nhà ở 173m2, diện tích khoảng trống là 38861m2

Chuồng cọp Mỹ

Từ cổng trại vào đến từng xà lim phải đi qua từ 5 đến 7 lần cổng sắt. Trong mỗi khu, hai dãy xà lim đối diện, cách nhau một hành lang hẹp và tối. Trân xà lim trống trải với dàn song sắt lớn, hấp thụ tối đa sức nóng từ mái tôn hắt xuống vào ban ngày, rồi lạnh toát vào ban đêm, lợi dụng triệt để các yếu tố bất lợi của thiên nhiên để đày ải người tù.

Trại VII trở thành đỉnh cao của phong trào đấu tranh tù Côn Đảo dưới hình thức hò la tập thể đòi được cung cấp thuốc men, thực phẩm, đòi thực hiện Hiệp định Paris. Trại cũng là nơi khởi đầu và chỉ đạo cuộc nổi dậy chiếm đảo vào lúc 1 giờ sáng ngày 1/5/1975, giải phóng 7448 tù nhân, trong đó có 4234 tù chính trị, thành lập chính quyền cách mạng và tổ chức lực lượng phòng vệ Côn Đảo.

Biệt lập chuồng bò: bao gồm 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò. Từ năm 1963 để mở rộng nhà tù. Mỹ và quân đội tay sai sửa chữa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam. Hầm phân bò sâu 3m chia làm 2 ngăn có hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang Địch sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù xuống đó tra tấn hành hạ dã man và bí mật.

Biệt lập chuồng bò

Di tích Ma Thiên Lãnh: từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, đi theo hướng Võ Thị Sáu đến cuối đường, bạn sẽ tới di tích cầu Ma Thiên Lãnh. Nơi đây vẫn còn hai mố cầu xây dựng dở dang mà mấy chục năm trước, để kiểm soát người tù vượt ngục, bọn cai ngục đã bắt người tù khiêng đá xây dựng cầu. Do địa thế núi non quá hiểm trở, lại phải lao dịch nặng nề 356 người tù phải bỏ mình nơi đây. Ma Thiên Lãnh là tên mà người tù đặt theo tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh của Triều Tiên.

Di tích Ma Thiên Lãnh

Nghĩa trang Hàng Dương: được quy hoạch rộng 190000m2, gồm 4 khu: khu A, khu B, khu C và khu D. Theo số liệu ươc định có khoảng 20000 tù nhân đã chết và bị vùi lấp tại Côn Đảo. Mỗi nắm đất ở Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng.

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang được khởi công xây dựng và tôn tạo ngày 19/12/1992, chia làm 4 khu:

+ Khu A: gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể), trong đó 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 về trước. Nơi đây có ngôi mộ liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

+ Khu B: gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể), trong đó có 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. Đa số phần mộ từ năm 1945-1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.

+ Khu C: gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể), trong đó có 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960-1975. Nơi đây có ngôi mộ của anh hùng Lê Văn Việt.

+ Khu D: gồm 148 ngôi mộ, trong đó 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Đặc biệt khu D là khu mộ quy tập những nấm mộ từ Hòn Cau và Hàng Kẹo về.

Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang với một tượng đài mang hình tượng "Trao áo". Tượng cao 9m, nặng 25 tấn, được khởi dựng ngày 16/7/1980. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ "Vĩnh biệt các đồng chí". Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện "Chết còn cởi áo trao nhau". Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là Bí thư đầu tiên của Đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930). Người nhận áo là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.