Điểm du lịch Củ Chi

22/12/2020 | Sưu tầm | 356 xem

Di tích địa đạo Củ Chi thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc. Đây là quần thể công trình như địa đạo Bến Đình, địa đạo Bến Dược, vùng giải phóng, đền Bến Dược, nhà văn bia… tái hiện và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về đời sống và kháng chiến của nhân dân Củ Chi. Củ Chi được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đất thép Thành đồng".

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo dài 250km, chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là cuốc và chiếc ky xúc đất. Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất cảu quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần (bị ngạt hơi, bơm nước). Đường hầm sâu dưới đất từ 3-8m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15m, trong vắt. Hệ thống địa đạo gồm ba tầng, từ đường "xương sống" tỏa ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn.

Tầng một cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng hai cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn. Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Bên trên ngụy trang kín đáo, nhìn như những ụ mối đừn, dọc đường hầm có lỗ thông hơi.

Liên hoàn với địa đọa các các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Hơn 20 năm xây dựng, địa đạo Củ Chi đã được hoàn thành không phải bằng một kỹ thuật hiện đại mà là từ bàn tay của những người con Đất thép quyền giữ gìn từng tấc đất quê hương. Trong đó có những đôi tay của biết bao người mẹ, người chị, người em, vốn chỉ là những con người chân đất giản dị nhưng đã viết nên những trang sử hào hùng biết bao cho dân tộc. Và từ đó, Củ Chi đã là "ngôi nhà" của lớp lớp chiến sĩ với lối đánh du kích thông minh đã bao phen làm giặc Mỹ kinh hồn bạt vía, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng quê hương.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược

Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược

Đền tưởng niệm được khởi công vào ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đền Bến Dược nằm trên vùng đất rộng khoảng 7ha. Tại đây có một ngôi tháp cao khoảng 40m và một tấm bia đá nặng 3,7 tấn khăc bai văn "Đời đời ghi nhớ" của Viễn Phương. Tại đây, còn có điện thờ ghi tên hơn 41000 liệt sĩ đã chiến đấu, hi sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược gồm các hạng mục chính:

– Cổng tam quan theo kiến trúc cổ truyền, lợp ngói âm dương, hoa văn, họa tiết, mái cong cách tân của cổng đình làng Việt Nam.

– Nhà văn bia là một nhà vuông hai mái, ở giữa đặt tấm bia đá cao 3m, được chạm khắc hoa văn của các dân tộc thiểu số và bài văn bia thể hiện nghĩa tình cao cả, đằm thắm của biết bao đồng chí, đồng bào đã không ngại khó ngại khổ để làm nên những trang lịch sử vẻ vang chói lọi.

– Đền chính với kính trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch. Đền thờ bố trí theo hình chữ "U": trung tâm là bàn thờ Tổ quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.