Điểm du lịch Phố Hiến
Thông tin cơ bản điểm du lịch Phố Hiến
Phố Hiến là đô thị cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ XVI, cực thịnh vào thế kỷ XVII. Đây là một thương cảng lớn, đầu mối giao lưu quốc tế rất sầm uất và phồn thịnh, chỉ đứng sau kinh đô Thăng Long. Chính vì vậy mà đã có câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Các điểm tham quan chính của phố Hiến
Văn Miếu Xích Đằng
Văn Miếu Xích Đằng hay còn gọi là Văn Miếu Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiền. Văn Miếu Xích Đằng là một văn miếu thuộc hàng tỉnh, được xây dựng vào năm 1832 trên đất làng Xích Đằng, xưa kia là văn miếu của trấn Sơn Nam căn cứ vào khánh, chuông còn lại ở Văn Miếu.
Mặt tiền Văn Miếu quay hướng nam, nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế; mang dáng dấp cổng Văn Miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng hai dãy tả hữu vu. Hai dãy này hiện nay được dùng để trưng bày hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên. Khu nội tự có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm Tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì keo trụ trốn. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu “trùng thiềm điệp ốc”.
Hiện vật còn lại của Văn Miếu hiện nay là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (năm 1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào bia từ thời Trần đến năm 1919 – khoa thi cuối cùng của nền khoa cử nho học, trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.
Đền Mẫu
Đền Mẫu được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông (năm 1279), nằm ven hồ bán nguyệt, phong cảnh hữu tình. Đền thờ bà Dương Quý phi, thời nhà Tống, Trung Quốc. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, bà Quý phi họ Dương là người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thủy với vua và trung thành với nước, được người đời tán xưng là Dương Thiên Mẫu. Đền Mẫu rất linh thiêng và được trùng tu nhiều lần với kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng, tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, quy mô như ngày nay.
Đền Thiên Hậu
Đền nằm trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung; do 40 dòng họ người Hoa ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến quyên góp tiền bạc xây dựng vào năm 1640. Đền thời bà Lâm Tức Mặc – một vị thần biển của người Trung Quốc có công giúp dân, giúp nước. Đền Thiên Hậu là một công trình mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa, thể hiện ở các hạng mục như tam quan, nhà tế, mái đền, đao góc và kết cấu các vì kèo…
Đông Đô Quảng Hội
Đông Đô Quảng Hội nằm trên đường Phố Hiến, phương Hồng Châu. Đây là một hội quán của người Hoa – nơi hội họp của các thương gia nước ngoài, nhưng chủ yếu là người Trung Quốc đến làm ăn, buôn bán tại vùng phố Hiến thế kỷ XVI, XVII. Đông Đô Quảng Hội được khởi dựng từ năm 1590, toàn bộ nguyên vật liệu và đồ tế khí được vận chuyển từ 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng tây, Phúc Kiến của Trung Quốc sang bằng đường biển và được 14 dòng họ người Hoa, cùng người dân Việt phố Hiến xây dựng nên. Hằng năm, lễ dâng hương, lễ tế và lễ hội được tổ chức vào các ngày 23/3 âm lịch (ngày sinh), 9/9 âm lịch (ngày hóa) của Thánh Mẫu Thượng Thiên và 10/10 âm lịch (ngày lễ đản của Tam thánh đế).
Đông Đô Quảng Hội được chia làm 2 phần:
– Đền Tam thánh thờ 3 ông thánh người Hoa: thần Thái Y (thần thuốc), thần Hoa Quang (thần bách nghệ) và thần Nông (dạy dân làm ruộng, trồng trọt và chăn nuôi).
– Cung Thiên Hậu: thờ bà Lâm Tức Mặc – một vị thần hàng hải của người Phúc Kiến.
Võ Miếu
Võ Miếu nằm trên phố Trưng Trắc, phường Quang Trung, thờ Quanh Thánh Đế Quân hay còn gọi là Thượng Hữu Phục Ma Đại Đế, dân gian thường gọi là Quan Đế hay Quan Công, một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (Trung Quốc). Quan Công sinh ngày 13/5 âm lịch, ông là một vị tướng võ nghệ cao cường, khi mất được nhân dân suy tôn thành bậc thánh thần và được thờ ở nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa. Võ Miếu là một trong số rất ít di tich của người Hoa khi họ di cư sang buôn bán và cư trú tại Phố Hiến xây dựng nên trong thời kỳ phồn thịnh của đô thị Phố Hiến con được bảo lưu tới ngày nay. Võ Miếu hiện nay là sự hòa trộn giữa 2 nền kiến trúc Việt Nam và Trung Hoa. Toàn bộ khu di tích Võ Miếu được xây dựng trên tổng diện tích 612,8m2, kiến trúc kiểu chữ “Quốc”, bao gồm các hạng mục: tiền tế, trung từ, hậu cung và hai dãy giải vũ. Phía Nam khu di tích có cổng nghi môn, là công trình đặc biệt được lợp ngói mũi, kết cấu vì kéo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, bào trơn đóng bén đơn giản. Bên ngoài cửa chính điện treo một bức chạm khắc Quan Vũ và hai tỳ tướng. Hằng năm, lễ hội ở Võ Miếu được tổ chức vào ngày 13/5 âm lịch.
Chùa Chuông
Chùa có tên chữ là Kim Chung tự, nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích Phố Hiến và được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh thắng”. Chùa Chuông được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 1707 tạo nên chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Theo truyền thuyết, vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phân thôn Nhân Dục, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam). Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông vang xâ hàng vạn dặm. Do vậy chùa có tên là Kim Chung tự, tên thường gọi là Chùa Chuông.
Chùa Chuông có kết cấu kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà Mẫu và hai dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng nam, đó là hướng của bát nhà và trí tuệ. Chùa được bố trí xây cân xứng trên một trục trải dài từ cổng tam quan đến nhà tổ. Một trong những hiện vật có giá trị nhất còn lưu giữ lại chùa là tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (năm 1711), bia ghi tên những người công đức tu sửa chùa. Phần đặc biệt của bia ghi lại cảnh đẹp của Phố Hiến và một số phương như: phường Hàng Bè, Hàng Sũ, Thợ Nhuộm, Cự Đệ, Hàng Thịt… mà nay chỉ còn trong dĩ vãng.
Chùa Hiến
Chùa còn có tên la Thiên Ứng tự, tọa lạc trên đường Phố Hiến, phường Hồng Châu. Tương truyền, chùa được xây dựng từ đời nhà Trần do Tô Hiến Thành – quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng đến năm 1709 được trùng tu lại. Đặc biệt, chùa Hiến còn có hai tấm bia lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Sân chùa có cây nhãn “tiến” (nhãn tiến vua) tuổi thọ hơn 300 năm, truyền rằng ngày xư quả của cây nhãn này được hái để dâng đức phật, cúng thành hoàng và để quan lại mang tiến vua chúa, cũng được xem như biểu tượng của đất Hưng Yên.
Hồ bán nguyệt
Hồ bán nguyệt là một nét đặc trưng của đô thị phố Hiến. Hồ cong hình trăng khuyết, đây là khúc bỏ lại của sông Hồng khi đổi dòng. Phong cảnh hồ thật hữu tình, mặt nước luôn trong xanh, phẳng lặng. Bên hồ cây xanh râm mát, một bên là phố Nguyệt Hồ, một bên là đê sông Hồng.