Khu du lịch Sa Pa
Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai,một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Đến với Sa Pa, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh hữu tình, được trải nghiệm cuộc sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến ngây ngất tâm hồn của những thửa ruộng bậc thang mơn mởn mỗi độ mùa về, vàng thắm những ngày thu hoạch.
Các điểm tham quan chính
ĐỈNH FANCIPAN – NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG
Pansipan là ngọn núi cao nhất nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (3.143m), đồng thời cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Đông Dương. Fancipan là ngọn úi co thiên nhiên hùng vĩ, phân hóa sâu sắc theo độ cao, là vùng núi có đầy đủ ba đai cao ở Việt Nam. Từ chân núi đến độ cao 600-700m là đời rừng nhiệt đới gió mùa với khoảng rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 600-700m đến 2600m là đới rừng cận nhiệt núi cao với các loài sinh vật có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới tiêu biểu như: pơ mu, lãnh sam, thiết sam, liễu sam, thông đỏ, hoàng đàn và rừng rêu, địa y ẩm ướt… Từ 2600m trở lên là đới rừng ôn đới gió mùa, khí hậu lạnh giá quanh năm, nhiệt độ trung bình dưới 15oC, mùa đông có thể xuống tới 5oC, thảm thực vật xen lẫn giữa rừng lá kim với các loài hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh… Fancipan cao sừng sững là một đỉnh núi đáng chinh phục của các du khách ưa mạo hiểm.
NÚI HÀM RỒNG
Núi nằm sát ngay thị trấn Sa Pa, du khách có thể đi bộ đến đó. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói.
NHÀ THỜ CỔ SA PA
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, nhà thờ cổ Sa Pa hay nhà thờ đá Sa Pa (hay nhà thờ Đức Mẹ Mân côi) được xây dựng từ năm 1895 và được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại nơi đây. Hình dạng và kiến trúc của nhà thờ được xây theo hình thập tự giá, kiến trúc Gô tíc. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp, tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây dựng bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy ruống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay đã được làm mới). Đặc biệt, trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt, chưa sửa chữa lần nào. Nhà thờ là một hình ảnh đẹp không thể thiếu khi nhắn đến thị trấn Sa Pa mù sương. Hiện nay, ngay trước nhà thờ, tối thứ 7 hàng tuần có biểu diễn văn nghệ mô phỏng chợ tình vốn có từ xưa.
BẢN CÁT CÁT
Đây là một địa điểm tham quan cách thị trấn Sa Pa chừng 2km. Bản là nơi ở của đồng bào dân tộc Mông. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa trên các ruộng bậc thang, các nghề truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Hiện nay, do du lịch phát triển, một bộ phận người Mông ở Cát Cát đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Đến Cát Cát, du khách có thể tìm hiểu các phong tục độc đáo của đồng bào, cùng các nghề thủ công truyền thống (dệt lanh, rèn…) và thưởng thức thú ẩm thực đặc sắc của đồng bào như rượu ngô Mông, thẳng cổ, thịt hun khói "khăng dai", tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô…
BẢN TẢ PHÌN
Bản thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng.
THUNG LŨNG MƯỜNG HOA – BÃI ĐÁ CỔ SA PA
Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía đông nam. Từ thị trấn Sa Pa vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Đến Mường Hoa vào mùa lúa chín, du khách có thể thấy một phong cách hết sức trữ tình với dòng suối Mường Hoa len lỏi giữa thung lũng, giữa mùa vàng với những bóng váy áo sặc sỡ của gái Mông, gái Dao. Mường Hoa cũng là địa điểm ngắm mây kéo lên và mây tan đi tuyệt đẹp ở vùng Tây Bắc. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khác nhiều hình khác nhau nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa.