Khu du lịch Đền Hùng

17/12/2020 | Sưu tầm | 1097 xem

Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía bắc, cách Thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2, hoặc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn…).

Tục truyền rằng, núi Hùng là đầu rồng hướng về phía nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo… Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng, núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Ba đỉnh núi: núi Hùng, núi Vặn, núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh "Tam sơn, cấm địa" được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Các điểm tham quan chính

ĐỀN HẠ

Tương truyền nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc "đồng bào" (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng "Mắt Rồng" là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền. Đền Hạ được xây dựng laaij trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII – XVIII. Kiến trúc kiểu chữ "Nhị" gồn hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi tòa ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ keo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước.

Đền Hạ

CHÙA THIÊN QUANG

Chùa xưa có tên gọi là "Viễn Sơn cổ tự" sau đổi thành "Thiên Quang thiền tự". Chùa được xây dựng vào thời Trần, đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu. Hiện nay chùa có kiến trúc chững "Công" gồm ba tòa tiền đường (năm gian), tam bảo (ba gian) và thượng điện (ba gian). Các tòa được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột kèo suốt cài nóc. Phía ngoài có hành lang xây xung quanh. Mái chùa lợp ngói mũi có đấu đao cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt.

Chùa Thiên Quang

ĐỀN TRUNG (HÙNG VƯƠNG TỔ MIẾU)

Đền dược xây dựng vào thời Lý – Trần. Đến thế kỷ XV bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ "Nhất" ba gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giang cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây, vua Hùng thứ sáu đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo đã làm ra bánh trưng, bánh dày.

Đền Trung Hùng Vương Tổ miếu

ĐỀN THƯỢNG

Đền có tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh điện" (Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tương truyền vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa cầu mong cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Trên đỉnh núi Hùng xưa có mảnh vỏ trầu khổng lô, có chiếc thuyền nan ba cẳng gắn với truyền thuyết về hạt lúa thần, phản ánh mơ ước về cuộc sống ấm no. Đền Thượng đến thế kỷ XV được xây dựng quy mô, vào thời Nguyễn, triều đình cấp tiền, cử quan về giám sát việc đại trùng tu. Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ "Vương", được xây dựng bốn cấp: nhà chuông trống, đại bái, tiền tế và hậu cung.

Đền Thượng

LĂNG VUA HÙNG

Lăng tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng đông nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1820) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định, tháng 7/1922 trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp bốn con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình "quả ngọc" theo tích "cửu long chầu nguyệt".

Lăng vua hùng

CỘT ĐÁ THỀ

Tương truyền rằng Thục Phán An Dương Vương khi được vua Hùng nhường ngôi đã thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói vua Hùng.

Cột đá thề

ĐỀN GIẾNG

Đền có tên chữ là  Ngọc Tỉnh. Tương truyền là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái vua Hùng thứ 18 thường soi gương chải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai nàng là người  có công dạy dân trồng lúa, trị thủy nên nhân dân lập đền thờ.

Đền Giếng

Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng. Tại Đền Giếng, người đã nói chuyện với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong và căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

ĐỀN TỔ MẪU ÂU CƠ

Đền tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (tên mỹ tự là núi Ốc Sơn), thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có độ cao 170,2m so với mặt biển, nằm trong hệ thống "Tam sơn cấm địa" là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn.

Đền tổ mẫu Âu Cơ

Đền tổ mẫu Âu Cơ là một quần thể kiến trúc bao gồm: đền chính thờ mẫu Âu Cơ, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan… được thiết kế theo phong cách truyền thống xen lẫn tính hiện đại, các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn, cột gỗ có thớt đá kê, tường xây gạch mộc đồ, mái đền có đầu đao cong vút như cánh chim lạc, trụ biểu đá giống như cây bút đang viết lên trời xanh… Trong hậu cung đền đặt tượng Tổ mẫu Âu Cơ được làm bằng đồng, phía dưới đặt tượng Lạc hầu, Lạc tướng.

ĐỀN THỜ QUỐC TỔ LẠC LONG QUÂN

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được xây dựng dưới chân núi Sim vào năm 2006, nằm trong quần thể kiến trúc của Di tích lịch sử Đền Hùng.

Đền thờ quốc tổ Lạc Long Quân

Đền thờ Lạc Long Quân quay về hướng tây nam. Đền được xây dựng kiến trúc kiểu chữ "Đinh" gồm: cổng đền, phương đình, tả vu, hữu vu, trụ biểu, đền thờ. Kiến trúc truyền thống gỗ lim, sơn son thiếp vàng, tường gạch bao xây gạch chỉ màu đỏ, mái lợp ngói mũi.

Trong đền đặt tượng Quốc tổ Lạc Long Quân, tượng Lạc hầu, Lạc tướng được đúc bằng đồng. Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tạo thành một quần thể kiến trúc, góp phần bảo tồn, tái tạo hình ảnh lịch sử, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thờ tự thủy tổ dân tộc, nhằm giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc.

BẢO TÀNG HÙNG VƯƠNG

Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng năm 1986 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế phỏng theo truyền thuyết "Bánh trưng, bánh giày" phản ánh quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ: trời tròn, đất vuông. Năm 1993, bảo tàng mở cửa đòn khách tham quan, với hơn 700 hiện vật, 102 bức ảnh, 4 bức tranh bằng gốm tráng men, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng bằng đồng và nhiều hiện vật bổ trợ. Bảo tàng đã giới thiệu khái quát sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng thông  qua nội dung trưng bày với các chủ đề chính: Đất nước con người một thời nguyên thủy; Bắt đầu thời dựng nước; Sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng; Con cháu tưởng nhớ các Vua Hùng.

Bảo tàng Hùng Vương