Khu du lịch cao nguyên đá Đồng Văn

15/12/2020 | Sưu tầm | 758 xem

Nằn ở nơi địa đầu của tổ quốc, mang vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, cao nguyên đá Đồng Văn là một địa danh mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Giang. Nơi đây không chỉ được tự nhiên bạn cho vẻ đẹp về địa chất Karst kỳ vĩ, mà còn có những phút trắng trời tuyết đổ, không gian tươi tắn của đào, mận, tam giác mạch trên các sườn núi hay trong các thung lũng bảng lảng sương mờ. Với những đặc trưng đặc biệt và vô cùng quý giá về mặt địa chất, sinh thái, khảo cổ và văn hóa tộc người hết sức đặc sắc của mình, năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGC – Global Geoparks Network) công nhận là "Công viên địa chất toàn cầu".

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km2, trài dài qua địa bàn bốn huyện Quảng Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn và phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm. Cao nguyên cũng là nơi cư trú của 17 tộc thiểu số khác nhau, điều này tạo nên một giá trị văn hóa đặc sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm kiếm, nghiên cứu.

CỘT CỜ LŨNG CÚ

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn), có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Theo dân gian, cột cờ được xây dựng từ thời Lý và được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần. Cột cờ hình bát giác, cao 33,15m; đường kính thân cột rộng 3,8m, bên dưới chân cột cờ có 8 phù điêu bằng đá mô phỏng văn hóa trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Trên đỉnh cột cờ là lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 – tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trong nắng gió của miền biên viễn (lá cờ được thay hàng tuần vì sức gió rất lớn tại đây). Từ đỉnh Cột cờ Lũng Cú nhìn xuống xung quanh, ta thấy cảnh sắc thiên nhiên Tổ quốc thật hùng vĩ với cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp, những khoảng ruộng bậc thang xen giữa các bản Lô Lô Chải, Sẻo Lùng, Cằn Tằng,… tất cả vẽ nên một bức tranh miền sơn cước với vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy thơ mộng, thanh bình.

ĐÈO MÃ PÌ LÈNG

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng (còn có âm đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, Máo Pì Lèng) là con đèo hùng vĩ và hiểm trở nhất Việt Nam nối giữa huyện Đồng Văn với huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Nhắc đến Mã Pì Lèng ta không chỉ thấy sự hiểm trở, hùng vĩ vô song, mà còn cảm phục công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 1950-1960 đã phá đá mở đường xuyên cao nguyên đá Đồng Văn. Theo chuyện kể, để mở được hơn 20km đường đèo Mã Pì Lèng, công nhân đã 11 tháng treo mình trên vách đá đục từng centimét đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng phá đá mở đường, con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc. Hiện nay, trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, cũng là nơi cao nhất và của đường Hạnh Phúc có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo gian khổ nhất Việt Nam.

Đứng trên Mã Pì Lèng ta nận thấy không ở nơi đâu trên đất Việt lại có vẻ hùng vĩ và hoang sơ đến như thế. Nhìn về hướng bắc và đông bắc, hàng nghìn núi đá vôi màu xám chì trùng trùng điệp điệp nối nhau tới tận chân trời, thu tầm mắt lại ngay dưới chân ta là hẻm vực nơi có dòng sông Nho Quế chảy qua nhỏ như dải lụa ai đóc vô tình đánh rơi giữa hai vách núi thăm thẳm hút sâu.

Nếu ai đã một lần đặt chân lên đỉnh đèo này ắt hẳn sẽ chẳng bao giờ có thể quên ấn tượng tuyệt vời nơi mỏn đá chênh vênh bên dòng Nho Quê, chẳng quân được mây trắng bồng bềnh mơ màng quanh co với núi, chẳng quên được dòng Nho Quế chảy uốn lượn phía dướ chân núi sâu thẳm… Thật tuyệt vời khi cao nguyên đá Đồng Văn được thiên nhiên ban tặng một cảnh quan kỳ vĩ và chúng ta có thể mạnh dạn đánh giá rằng đây là một trung những cung đèo hoành tráng và ấn tượng vào bậc nhất ở Việt Nam.

DINH THỰ HỌ VƯƠNG

Dinh thự họ Vương

Nằm trong thung lũng Sa Phìn, Dinh thự nhà họ Vương được Vương Chính Đức xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1923 đến năm 1926. Dinh thự được xây dựng trên khu đất được chọn kỹ lưỡng về mặt phong thủy. Kiến trúc vừa mang dáng dấp phương Bắc, vừa mang bản sắc cổ truyền của dân tộc Mông. Công trình được tạo nên bởi sự phối hợp hài hòa giữa các nguyên liệu gỗ thông, gỗ sa mộc, đá xám và ngói đất lợp ngói âm dương. Dinh thự có vẻ đẹp bề thế, uy nghi được xây dựng bảo đảm bốn tính năng là phòng thủ, tiện ích, mỹ thuật và bền vững lâu dài. Vì vậy, trải qua bao sương gió khắc nghiệt, về cơ bản công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Quy mô của dinh thự không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và hội tụ những tinh hoa kiến trúc của vùng cao, là một điểm tham quan không thể thiếu trên cung đường khám phá vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn – Công viên địa chất toàn cầu.

THUNG LŨNG SỦNG LÀ

Thung lũng Sủng Là

Thung lũng Sủng Là – một trong những địa điểm đẹp được mệnh danh là "đóa hoa hồng", hay "ốc đảo" trên miền cao nguyên đá.

Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, thung lũng Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp được vẽ bởi màu sắc của núi rừng tự nhiên, của những hàng rào đá và những ngôi nhà cổ do người Mông xây dựng có tuổi đời hàng trăm năm với tường nện bằng đất, khung gỗ, mái lợp gỗ pơmu.

Người Mông ở Sủng là trồng tam giác mạch và hoa cái trên đồi đất cao, trồng ngô và lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô, của lúa là màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch, màu vàng của nắng, và màu xanh đậm của hàng sa mộc sừng sững giữa trời. Những cánh đồng hoa làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt lạnh lẽo biến thành một bức tranh tuyệt mỹ mà bất cứ du khách nào khi ghé qua cũng phải dừng chân chiêm ngưỡng và ngây ngất trước phong cảnh nơi đây.

CHỢ TÌNH KHAU VAI

Chợ tình Khau Vai

Chợ nằm ở bản Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang 180km, diễn ra trong hai ngày 26, 27 tháng 3 hàng năm. Chợ là nơi để người ta tìm đến với nhau sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận của mình. Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giáy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang. Những người ở bản xa đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27 tháng 3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, các loại bánh (tất cả đồ ăn, đồ uống được mang từ nhà đến chợ) tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Nếu một trong hai người có sợ sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm sẽ rạn nứt và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chiều ngày 27 tháng 3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.