Điểm du lịch Đền Trần – Phủ Giày

16/12/2020 | Sưu tầm | 2426 xem

Đền Trần – Phủ Giày là 2 điểm du lịch tâm linh quan trọng của thành phố Nam Định. Đền Trần nằm trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV. Phủ Giày là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

ĐỀN TRẦN

Đền Trần Nam Định

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đề Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên công nghi các chữ Hán: Chính nam môn (cổng chính phía nam) và Trần Miếu (miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiên Trường. Phía tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía đông là đền Cố Trạch.

Đền Thiên Trường

Đền Thiên Trường

Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần, mà trước nữa là nhờ thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây dựng bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, hai dãy tả hữu vu, hai dãy tả hữu ống muống, hai dãy giải vũ đông-tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đều bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13m, có 12 cột cái còng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù rá nhà Trần. Sau tiền đường là trung đường – nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế. Sau trung đường là chính tẩm gồm ba gian. Đây là nơi thờ bốn vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính thất ở gian giữa. Các hoành phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở hai gian trái phải. Tòa thiêu hương là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn và ban thờ riêng cho các quan võ.

Đền Cố Trạch

Đền Cố Trạch

Đền nằm ở phía đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cổ Trạch được xây dựng vào năm 1894. Theo bia Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi ký thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm Tự Đức thứ 21 (năm 1868), người ta đào thấy ở phía đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch” (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là đền Cố Trạch. Đền Hạ là tên thường gọi. Đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Thiêu hương là nơi đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng phật. Bên trái đặt bài vị các vị quan văn. Bên phải đặt bài vị các vị quan võ. Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần. Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân triều Trần. Tòa Trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của bốn người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả tướng quân. Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của thân sinh và thân mẫu Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo và phu nhân (công chúa Thiên Thành), bốn người con trai và bốn người con dâu của Trần Hưng Đạo, con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).

Đền Trùng Hoa

Đền Trùng Hoa

Đền mới được chính quyền tỉnh Nam Định xây dựng từ năm 2000 trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Lễ khai ấn đền Trần Nam Định bắt nguồn từ đâu?

Lễ khai ấn trước hết là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239, triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, nhà Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống quan Nguyên Mông sau đó, lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 mới được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Thiên Trường không phải là kinh đô nước Việt nhưng gắn liên với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống quân Mông Nguyên, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một thủ đô kháng chiến theo cách gọi hiện nay để tận dụng địa thế và huy động sức người, sức của của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường… vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạn mới gọi nơi đây là “Hùng thắng Đông Kinh hộ ấn vàng”. Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có thể ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Và từ đây, lễ khai ấn vào giờ Tý ngày 15/1 âm lịch là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông và cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.

PHỦ GIÀY

Phủ Giày thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh bất tử (Tản Viên Sơn Thánh – Thánh Gióng – Chử Đồng Tử – Mẫu Liễu Hạnh). Tương truyền Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên bị đày xuống trần gian. Bà có đến hai lần giáng thế. Lần đầu tiên sinh làm con Lý Thái Công ở Vân Cát, Phủ Giày, Nam Định, tên là Giáng Tiên, lấy Đào Lang được hai con một trai, một gái, làm trọn nghĩa vợ thảo dâu hiền. Lần thứ hai giáng trần bênh vực kẻ yếu hèn, trừng trị gian tham, chu du khắp đó đây làm thơ ngắm cảnh khi ở Đèo Ngang, Lạng Sơn, lúc ở Tây Hồ.

Ở Phủ Giày có ba bộ kiến trúc liên quan chặt chẽ với Mẫu Liễu Hạnh là: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng chúa Liễu. Thôn Vân Cát là quê cha, còn thôn Tiên Hương là quê chồng của bà chúa Liễu Hạnh. Ngoài ra, bao quanh còn có một loạt các đền miếu khác như đền Khâm Sai, đền Thượng, đền Đức Vua, đền Công Đồng, đền Giếng Gàng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng, phủ Tổ, làng Mẫu… Nhờ có hệ thống đền miếu này ma quy mô thờ phụng cũng như sự tôn nghiêm của phủ Giày được tăng lên.

Phủ Tiên Hương (phủ chính)

Phủ Tiên Hương

Phủ Tiên Hương là một công trình đẹp. Trước phủ là một giếng tròn giữa có cột cờ rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá. Điện thờ chính thờ hệ thống Mẫu Tứ phủ. Mẫu Thượng Thiên (trời) ở giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thượng Thoải (nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.

Phủ Vân Cát

Phủ Vân Cát

Phủ không cách xa phủ Tiên Hương, mang một vẻ đẹp riêng, phía trước là hồ bán nguyệt rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.

Lăng chúa Liễu

Lăng chúa Liễu Hạnh

Lăng nằm bên cạnh phủ chính, chiếm một khu vực riêng hình chữ nhật. Toàn bộ công trình đều xây bằng đá, chạm trổ đẹp. Giữa lăng là một ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh chừng 1m.

Chợ Viềng

Chợ Viềng Nam Định

Chợ Viềng là một chợ xuân họp vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng giêng hàng năm của cư dân nông nghiệp có truyền thống từ xa xưa và vẫn được bảo lưu như một nét đẹp văn hóa. Cờ đã tạo một không khí hội hè sôi động cho cả vùng phủ Giày.

Chợ Viềng không chỉ đơn thuần là một chợ kinh tế mà còn một hội chợ tâm linh, chợ văn hóa. Người mua chẳng cần mua rẻ, người bán cũng chẳng cần bán đắt. Người ta quan niệm chỉ cần mua được một vật dụng gì đó là cả năm tới sẽ làm ăn may mắn, phúc lộc dồi dào. Đặc biệt, trong hội chợ này dường như có tất cả các sản vật của địa phương cũng như sản vật của các vùng lân cận. Các mặt hàng được bày bán la liệt với đủ mọi chủng loại: từ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, khoai, sắn đến các vật dụng sinh hoạt như ấm chén, rổ rá, từ các đồ thờ cúng, các trang phục sinh hoạt tín ngưỡng đến các đồ trang trí, trang sức mỹ nghệ. Đi chợ Viềng, ai cũng muốn được nếm thử những món đặc sản như thịt bò thui chấm với tương gừng, mua bánh dày giò…

Chợ Viềng còn gắn với các di tích mà bao trùm lên cả quần thể này là thờ Mẫu Liễu Hạnh. Bởi vậy người ta tới chợ Viềng còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu. Họ tin rằng mội vật dụng mà họ mua trong chợ sẽ được Mẫu chứng giám và phù hộ. Vì thế, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào phủ lễ Mẫu Liễu, lên đến Mẫu Thượng, xuống cả đến Mẫu Thoải cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.